Thông tin từ báo Phụ nữ Việt Nam, ngày 22/4, trên mạng xã hội xuất hiện dòng trạng thái tìm trẻ lạc của chị Q trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo bài đăng, bé trai tên N.M.G.H (SN 2011, đang ở tại toà chung cư thuộc P. Trung Hoà, Q. Cầu Giấy), đã bỏ nhà đi vào khoảng 16h30, ngày 22/4. Trước khi đi cháu bé có viết thư để lại với nội dung: "Con xin lỗi bố mẹ con học kém, con chào bố mẹ con đi".
Bài viết được cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ, nhiều người bày tỏ sự lo lắng, mong gia đình sớm tìm được cháu bé.
Cậu bé lớp 6 để lại thư cho gia đình rồi bỏ nhà đi vì áp lực học tập. Ảnh minh họa
Đêm cùng ngày, gia đình chị Q. đã đăng bài thông tin đã tìm thấy con trai. Được biết, cháu bé được người thân bắt gặp đang đứng dưới chân tại một toà chung cư cách đó không xa.
Theo anh C. (bố của cháu bé) sau khi con trai bỏ nhà đi, gia đình anh đã báo sự việc tới công an Phường Trung Hoà. Lực lượng chức năng đã lập tức lên kế hoạch tìm kiếm, kiểm tra các camera an ninh của khu vực lân cận.
Anh C. cho biết, con trai dạo gần đây gặp áp lực về chuyện thi cử. Học kỳ II vừa qua thành tích của bé H. có phần sụt giảm. Trước đó, con luôn duy trì kết quả học tập khá tốt.
Chị Q nhớ lại, đã có trách mắng con khi cháu học sa sút - chị chia sẻ: “Vào chiều hôm qua, sau khi biết được con không đạt điểm cao, mẹ đã có trách mắng con mấy câu. Lúc ấy tôi không hề nghĩ rằng điều này lại tác động đến con nhiều như thế. Tôi cũng mới biết thêm là cháu có nhắn tin với bạn bè về áp lực tâm lí”.
Đây chính là “giọt nước tràn ly” đối với một đứa trẻ đã chịu quá nhiều áp lực trong chuyện học hành. Chắc chắn cháu bé rất buồn vì việc học hành sa sút của mình đã khiến cho mẹ không hài lòng nên đã quyết định nhắn một cái tin như vậy.
May mắn gia đình đã tìm lại được con. Câu chuyện của gia đình bé G.H chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh.
Theo GS.TS. Tâm lý học Nguyễn Ngọc Phú, các nghiên cứu về tâm sinh lý trẻ tuổi học đường đã đi đến kết luận, nếu áp lực học tập ở mức độ vừa phải (nội dung học tập vừa sức trẻ, không có các áp lực thúc đẩy quá sức trẻ...) sẽ giúp trẻ tiếp thu bài nhanh hơn, kết quả học tốt hơn, nhanh thuộc bài hơn.
Tuy nhiên, nếu áp lực mà thầy cô, phụ huynh tạo ra quá lớn có thể sẽ dẫn trẻ đến các căng thẳng quá mức, quá sức chịu đựng của cơ thể (còn gọi là các căng thẳng cực trị và siêu cực trị) sẽ phá hoại tư duy của trẻ, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thần kinh, giảm hoạt động trao đổi chất của cơ thể và đó là nguyên nhân xuất hiện các rối loạn tâm thần, các chứng trầm cảm khác nhau ở trẻ.
Các thầy cô giáo, các bậc bố mẹ cần hết sức lưu ý để không gây áp lực học tập quá mức, động viên tinh thần của trẻ, tạo tâm lý thoải mái, giúp trẻ chủ động tiếp nhận tri thức trong sách vở, có một môi trường học tập an toàn, lành mạnh.
Thùy Dung (t/h)