Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Cát tặc” ngang nhiên hoạt động dù bị xử phạt nhiều lần

(DS&PL) -

Mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính nhiều lần nhưng rất nhiều bến cát sỏi ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính nhiều lần nhưng rất nhiều bến cát sỏi ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn ngang nhiên hoạt động. Trong đó, có bến chỉ cách trụ sở UBND xã hơn 1km thế nhưng phía chính quyền vẫn “bất lực” nhìn “cát tặc” lộng hành.

Đột nhập bãi cát “chui” ngay gần trụ sở xã

Theo phản ánh của người dân, mấy tháng nay có rất nhiều xe ô tô tải liên tục ra vào bến cát bên cạnh dòng sông Lam, thuộc xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An để vận chuyển cát lậu. Việc những xe cát hạng nặng ra vào đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân địa phương. Đặc biệt, địa điểm này chưa hề được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.

Để tìm hiểu sự việc, sáng 25/11, phóng viên báo ĐS&PL đã có mặt tại địa điểm bãi tập kết cát sỏi trên. Từ ngay cổng vào, phóng viên phát hiện một tấm bảng ghi rõ bãi tập kết này của công ty TNHH Tuấn Hương do ông Hoàng Văn Tuấn làm giám đốc. Tiến sâu vào, phóng viên trực tiếp chứng kiến các xe chở cát tấp nập vào ra để vận chuyển.

Bãi cát không phép hoạt động ngang nhiên dù cách trụ sở UBND xã Tào Sơn chỉ hơn 1km.

Thoạt nhìn qua, không ai nghĩ rằng đây là bến cát “chui” vì trên bờ xe tải vô tư ra vào bến rồi chở đi tiêu thụ khắp nơi. Trong khi đó, dưới sông Lam cách đó không xa, 2 đến 3 chiếc sà lan cỡ lớn vẫn ngày đêm gầm rú đục khoét lòng sông để đưa cát vào bờ rồi dùng vòi hút cát, sỏi trực tiếp lên xe. Vùng nước sông Lam quanh khu vực bến cát chui có thuyền hút cát nước đục ngầu.

Tại bến cát, một người phụ nữ giới thiệu tên là Hương là vợ của chủ bến cát. Người này thừa nhận, 2 chiếc sà lan khai thác dưới sông là của công ty Tuấn Hương, còn lại là của các đơn vị khác. Khi được hỏi về thủ tục cấp phép khai thác, bà Hương cho biết hiện đơn vị vẫn chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Bà này cũng thừa nhận, bản thân biết việc khai thác như thế là vi phạm pháp luật, tuy nhiên do dọc sông này cũng có rất nhiều đơn vị khai thác cát lậu chứ không riêng công ty của bà, nên đơn vị vẫn làm bình thường (?!).

Khi phóng viên hỏi việc khai thác cát “chui” như thế này có bị cơ quan chức năng xử lý hay không, bà Hương cho hay: “Cũng có nhiều đoàn kiểm tra liên ngành về kiểm tra, trong đó có xã Tào Sơn và phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Anh Sơn, nhưng sau đó chúng tôi lại khai thác”?!

Theo người dân, mỗi ngày doanh nghiệp này bán hàng chục xe cát, vào ngày cao điểm thì bán được hàng trăm xe. Trung bình mỗi xe từ 7-10m3 cát sỏi, với giá 50-60.000đ/m3 . Như vậy, tính sơ sơ mỗi ngày doanh nghiệp này thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng từ việc khai thác tài nguyên trái phép.

Bà Nguyễn Thị Tâm, người dân địa phương cho hay: “Điều người dân chúng tôi lo lắng nhất là việc khai thác cát sạn trái phép đã làm mất dần diện tích đất canh tác của họ. Đa số diện tích đất bãi bồi ở đây được bà con trồng lúa, ngô và dâu. Vào mùa mưa bão, dòng chảy của sông thay đổi gây nên tình trạng sạt lở trên nhiều đoạn. Nhiều chỗ bị hút sâu đến 10m, tạo thành những hố sâu rất nguy hiểm. Không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi nhiều người không biết vị trí những hố này”.

Điều đáng nói, địa điểm khai thác cát lậu mà công ty Tuấn Hương thực hiện chỉ cách trụ sở UBND xã Tào Sơn hơn 1km.

Trao đổi với PV về việc này, ông Phan Sỹ Quỳ, Phó chủ tịch UBND xã Tào Sơn thừa nhận, đúng là địa điểm khai thác cát của công ty Tuấn Hương chưa được cấp phép. Trước đó, chính quyền xã cũng đã hơn một lần lập biên bản xử phạt và đình chỉ, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp dừng khai thác.

Thậm chí, ngày 6/11 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã bắt quả tang, lập biên bản đối với bãi tập kết cát sỏi của công ty TNHH Tuấn Hương, đóng tại xóm 2, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn với khối lượng lớn. Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế khối lượng đoàn đã đo được tại bãi có 2180m3 cát sỏi nhưng ông Tuấn, Giám đốc chỉ chứng minh được một hóa đơn mua của công ty Lộc Khang Sông Lam có số lượng 200m3, xuất ngày 1/6/2019. Số còn lại không chứng minh được nguồn gốc nên đoàn đã lập biên bản niêm phong và giao cho UBND xã Tào Sơn quản lý trình UBND huyện làm thủ tục đấu giá nạp vào kho bạc Nhà nước.

Tuy nhiên, khi phóng viên phản ánh rằng, chỉ sau nửa tháng bị xử phạt thì hiện nay doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục hành vi khai thác cái sỏi trái phép. Bấy giờ vị Phó chủ tịch mới cho biết, sẽ lập tức kiểm tra lại. “Ngay lập tức, chúng tôi sẽ cử cán bộ xuống để lập biên bản xử lý và đình chỉ việc khai thác cát trái phép của công ty Tuấn Hương. Sau khi có biên bản xử lý chúng tôi sẽ thông báo lại cho báo”, Phó chủ tịch UBND xã Tào Sơn nhấn mạnh.

Liên quan đến vụ việc, lãnh đạo phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Anh Sơn cho biết, sau khi nhận phản ánh, phòng đã thành lập đoàn và hiện đang đồng loạt kiểm tra tất cả các điểm khai thác cát, sỏi cũng như các bến tập kết, cát sỏi trên địa bàn huyện này.

Được biết, trên địa bàn huyện Anh Sơn có đến 12 mỏ và bến cát khai thác dọc sông Lam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 mỏ khai thác cát có giấy phép khai thác và bến thủy nội địa, 3 mỏ cát có giấy phép nhưng không có giấy phép bến thủy nội địa, còn lại là các mỏ cát hoạt động chui lủi, lén lút.

Nan giải xử lý vi phạm về cát sỏi

Theo thống kê của sở GTVT Nghệ An thì hiện nay trên địa bàn có 124 bến cát sỏi hoạt động dọc các dòng sông Lam, sông Hiếu, sông Con... nhưng có tới 101 bến bãi không có giấy phép hoạt động. Trong đó, địa bàn huyện Thanh Chương, Nam Đàn thì con số bến bãi không phép chiếm nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Cụ thể, ở huyện Thanh Chương có 23 bến bãi hoạt động thì đã có tới 22 bến bãi không có phép; Huyện Nam Đàn có 21 bến thì có tới 18 bến bãi hoạt động chưa có giấy phép theo quy định. Số liệu từ sở GTVT Nghệ An cũng cho biết là hiện nay trên địa bàn mới chỉ có 24 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh, khai thác bến bãi cát sỏi.

Trước vấn đề trên, thực hiện Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 của UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Đoàn đã thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến sông chính là sông Lam và sông Hiếu.

Sau 3 tháng ra quân (cuối tháng 6 đến cuối tháng 9/2019), Đoàn liên ngành của UBND tỉnh đã kiểm tra 45 tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sỏi. Lập 58 lỗi vi phạm. Xử phạt, thu công quỹ Nhà nước hơn 450 triệu đồng. Tạm giữ 14.816m3 cát. Sau đó, Đoàn đã phối hợp với sở Tài chính và trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Nghệ An bán đấu giá thành công 7 lô cát đã tịch thu với khối lượng 9.826m3 cát; sung công quỹ Nhà nước hơn 257 triệu đồng. Đoàn liên ngành cũng phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đình chỉ 25 bãi có hoạt động tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép.

Điều đáng nói, việc xử phạt hành chính giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, thậm chí càng khiến “cát tặc” khai thác rầm rộ hơn. Thông thường, sau khi mất tiền phạt, các chủ tàu sẽ phải khai thác nhiều hơn để bù vào. Những người dân ven sông Lam phản ánh, cũng do có đoàn liên ngành làm việc từ nhiều tháng qua nên vào ban ngày hầu như các tàu cát đều đi “lánh nạn” nhưng cứ đêm xuống thì lại nổ máy “tác nghiệp”, thậm chí việc khai thác còn nhiều hơn, các tàu thi nhau “rút ruột” sông Lam không thương tiếc.

Thượng tá Phùng Đức Tuấn, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh (Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành), cho biết, mặc dù ra quân quyết liệt hơn 3 tháng qua nhưng đoàn kiểm tra liên ngành vẫn gặp phải không ít khó khăn trong quá trình làm nhiệm vụ.

Vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi ngày càng tinh vi; các đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép dùng nhiều thủ đoạn đối phó sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng, sẵn sàng sử dụng máy công suất cao để bỏ chạy khi bị phát hiện; thậm chí có đối tượng manh động, chống trả không cho lực lượng chức năng tiếp cận thuyền vi phạm... Đặc biệt, trong công tác xử lý khai thác trái phép thì các đối tượng thường cắt cử người theo dõi đoàn để báo cho nhau biết rồi nhanh chóng tẩu thoát; đồng thời lén lút hoạt động vào giữa đêm nên công tác xử lý triệt để gặp nhiều trở ngại.

Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật tháng số 49

Tin nổi bật