Đóng

Cảnh báo: "Tung Tung Tung Sahur", "Brainrot" rần rần khắp MXH - nguy cơ tiềm ẩn từ vũ trụ nội dung số

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Theo các chuyên gia, trào lưu này như một dạng "thức ăn nhanh" trên mạng xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy của trẻ.

Thời gian gần đây, cộng đồng mạng xã hội chứng kiến sự bùng nổ của hai từ khoá gây tranh cãi: "Tung Tung Tung Sahur" và "Brainrot" (tạm dịch là "não thối"). Những trend này nhanh chóng thu hút sự chú ý, đặc biệt là giới trẻ, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi về ảnh hưởng của chúng đến nhận thức và hành vi của trẻ em.

"Tung Tung Tung Sahur" và "Brainrot" bắt nguồn từ đâu?

Thông tin trên báo Tuổi trẻ Online, trào lưu "Brainrot" đang càn quét TikTok, khởi nguồn từ một loạt các nhân vật độc đáo được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Điểm đặc trưng của những nhân vật này là sự kết hợp đầy phi lý giữa con người, động vật và các vật thể vô tri, tạo nên một vũ trụ kỳ quái nhưng đầy cuốn hút.

Những cái tên như Ballerina Cappuccina – một vũ công ba lê với cái đầu là tách cà phê; Tralalero Tralala – chú cá mập ba chân mang giày Nike sải bước dưới biển; hay Tung Tung Tung Sahur – khúc gỗ có mắt mũi miệng, cầm gậy và gắn liền với âm thanh đặc trưng mô phỏng tiếng gõ đánh thức mọi người dậy ăn sahur trong tháng Ramadan, đã nhanh chóng trở nên quen thuộc và gây ám ảnh với giới trẻ toàn cầu.

Sự bùng nổ của trào lưu này bắt đầu từ TikToker người Romania, Susanu Sava-Tudor. Vào tháng 3/2025, anh đã tạo ra và đăng tải video đầu tiên về Ballerina Cappuccina, mở ra kỷ nguyên của "Brainrot". Tính đến thời điểm hiện tại, video gốc này đã thu hút hơn 45 triệu lượt xem, và hashtag #italianbrainrot đã vượt mốc 3 tỉ lượt xem trên nền tảng, minh chứng cho sức lan tỏa khủng khiếp của trào lưu.

Không chỉ xem, nhiều bạn trẻ còn hưởng ứng trào lưu "thối não" bằng cách thử thách nhau hay tạo ra những nhân vật mới. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Sức hút mãnh liệt của "Brainrot" đến từ cảm giác "ai hiểu thì hiểu" với tính chất giải trí phi logic, vượt xa mọi khuôn khổ thông thường. Người dùng TikTok không chỉ dừng lại ở việc thụ động xem mà còn tích cực tham gia vào việc mở rộng vũ trụ nhân vật này. Họ sáng tạo thêm các hậu truyện, xây dựng mối quan hệ phức tạp giữa các nhân vật, và thậm chí còn phát triển những phiên bản mới, độc đáo hơn.

Khi "Brainrot" du nhập vào Việt Nam, trào lưu này tiếp tục được "bản địa hóa" với những biến thể sáng tạo không kém phần kỳ dị như quái vật bánh mì, quái vật học hay quái vật matcha latte, càng khẳng định sức ảnh hưởng và khả năng thích nghi của nó trong văn hóa giải trí trực tuyến.

Nền tảng nào đang bùng nổ "hot" trend này?

Theo tờ Thanh niên Việt, 2 "đại lộ" chính dẫn lối cho sự bùng nổ của "Tung Tung Tung Sahur" và "Brainrot" chính là TikTok và YouTube Shorts. Thành công vang dội của chúng không phải ngẫu nhiên mà nằm ở thuật toán thông minh, được thiết kế để ưu tiên những nội dung ngắn gọn, hấp dẫn và đặc biệt dễ gây nghiện. Nhờ đó, người dùng liên tục được tiếp cận với những video này, tạo nên một vòng lặp không ngừng nghỉ.

Đáng chú ý, TikTok đã chứng minh sức mạnh "thần kỳ" của mình trong việc lan truyền viral với tốc độ chóng mặt. Chỉ trong vỏn vẹn vài ngày, nền tảng này có thể biến những âm thanh, hình ảnh đơn giản, thậm chí là có phần "kỳ quái", trở thành một trào lưu toàn cầu, len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống mạng.

Sự bùng nổ của trào lưu này bắt đầu từ TikToker người Romania, Susanu Sava-Tudor. Ảnh: New York Times

Không dừng lại ở những đoạn video ngắn ngủi, sức ảnh hưởng của "Tung Tung Tung Sahur" còn vươn xa hơn, thâm nhập vào cả lĩnh vực trò chơi điện tử. Minh chứng rõ nét là sự ra đời của hàng loạt tựa game như Hantu Tung Tung Tung Sahur 3D và Tung Tung Tung Sahur Simulator. Những trò chơi này không chỉ đơn thuần là tái hiện hình ảnh nhân vật, mà còn đưa người chơi vào những trải nghiệm rùng rợn, nơi họ bị truy đuổi bởi "sinh vật khúc gỗ" trong một không gian đầy mơ hồ và bí ẩn, tạo nên một sức hút khó cưỡng cho những ai tò mò về thế giới kỳ lạ này.

Nội dung gây nghiện nhưng "thiếu dinh dưỡng" cho tư duy

Tạp chí Tri thức đã trích lời bác sĩ thần kinh Andreana Benitez (Đại học Y South Carolina, Mỹ), ví von những nội dung dễ dãi, vô nghĩa trên mạng xã hội như “thức ăn nhanh cho não”. Giống như fast food, chúng hấp dẫn, gây nghiện nhưng lại thiếu hụt trầm trọng dưỡng chất cho tư duy.

Việc xem một vài video giải trí không phải là vấn đề quá lớn, nhưng nếu dành hàng giờ liền lướt không ngừng trên TikTok, YouTube Shorts hay Instagram Reels, bộ não sẽ bị kiệt sức. Điều này đặc biệt nguy hiểm đối với giới trẻ, những người vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện hệ thần kinh và khả năng điều tiết cảm xúc. Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy, hơn một nửa thiếu niên Mỹ dành trên 4 giờ/ngày để nhìn màn hình.

Nghiên cứu năm 2024 từ chương trình ABCD (Adolescent Brain Cognitive Development - Phát triển nhận thức não bộ thanh thiếu niên) cũng đã chỉ ra rằng, giới trẻ sử dụng mạng xã hội nhiều có nguy cơ cao gặp các vấn đề về tâm lý như rối loạn lo âu, mất ngủ, rối loạn hành vi, đau đầu, chóng mặt. Lúc này, "thối não" có thể được sử dụng theo cả nghĩa đen để mô tả tình trạng suy giảm chức năng nhận thức.

Tuy nhiên, mối nguy hiểm lớn nhất lại đến từ chính cảm giác “vô hại” của những nội dung như “vũ trụ thối não”. Nhiều người thường xem đó chỉ là những meme “cho vui” mà không nhận ra rằng mình đang mất dần năng lực phân tích, khả năng tập trung và tư duy phản biện.

Tiến sĩ Costantino Iadecola là giám đốc Viện nghiên cứu não và tâm trí gia đình Feil (Trung tâm y tế Weill Cornell, New York, Mỹ). Ảnh: SCMP

Tiến sĩ Costantino Iadecola, Giám đốc Viện nghiên cứu não và tâm trí gia đình Feil (Trung tâm y tế Weill Cornell, New York, Mỹ), nhấn mạnh: “Để não bộ phát triển, con người cần chủ động tham gia vào các tình huống cuộc sống đa dạng, điều không thể đạt được nếu chỉ sử dụng điện thoại. Nhiều người đang thay thế các tương tác đời sống bằng nội dung rác trên mạng xã hội và dần mất khả năng tư duy”.

Tin nổi bật