(ĐSPL) - Giữa lúc Châu Á lo ngại về căng thẳng Trung-Việt liên quan đến giàn khoan 981, Trung Quốc đã có sẵn trong tay một kế hoạch lớn thâu tóm Biển Đông.
Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough, vây hãm thủy quân lục chiến Philippines ở bãi Cỏ Mây (Second Thomas Reef) và gần đây nhất, hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ 981 cách bờ biển Việt Nam có 120 hải lý.
|
Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan dầu 981 cách bờ biển Việt Nam có 120 hải lý. |
Theo tạp chí The National Interest của Mỹ, trong khi việc triển khai các giàn khoan dầu chắc chắn là động thái gây tranh cãi nhất cho đến nay, diễn biến đáng chú ý nhất lại là việc Trung Quốc khơi luồng lạch, đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Phân tích hình ảnh vệ tinh, IHS Jane và IHS Maritime của Anh đã phát hiện ra hoạt động nạo vét đắp đảo có hệ thống của Trung Quốc trên khắp quần đảo Trường Sa.
|
Hoạt động nạo vét đắp đảo qui mô lớn nhất của Trung Quốc là ở đá Gạc Ma, một bãi đá ngầm mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam năm 1988. |
Hoạt động nạo vét này không chỉ nhằm khơi luồng lạch cho tàu bè đi qua các rạn san hô, mà còn nhằm đắp đảo nhân tạo để từ đó khuếch trương sức mạnh ở phía nam Biển Đông.
Cho đến nay, hoạt động nạo vét đắp đảo qui mô lớn nhất của Trung Quốc là ở đá Gạc Ma (Johnson South Reef), một bãi đá ngầm mà Trung Quốc đánh chiếm của Việt Nam sau một trận hải chiến đẫm máu năm 1988, khiến hơn 70 binh sĩ Việt Nam tử trận. Sau trận chiến đẫm máu này, Trung Quốc đã xây dựng một công trình kiên cố ở đá Gạc Ma, thiết lập một cơ sở đồn trú và thông tin liên lạc.
Trên thực tế, Trung Quốc đang thiếu một cái gì đó mà tất cả các bên tranh chấp khác trong quần đảo Trường Sa đều có và đó là một hòn đảo có đường băng cho máy bay hạ, cất cánh. Đài Loan có đảo Ba Bình, Việt Nam có đảo Trường Sa thân, Malaysia có Sparrow Reef và Philippines có đảo Thị Tứ.
Nếu tin vào hình ảnh máy tính của Viện nghiên cứu & Thiết kế số 9 trực thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC), hòn đảo mới ở đá Gạc Ma sẽ có một đường băng sân bay, các nhà chứa máy bay phản lực, một cảng biển có cầu cảng, máy phát điện bằng sức gió và nhiều nhà kính để trồng trọt.
|
Hình ảnh máy tính "đảo" Gạc Ma của Viện nghiên cứu & Thiết kế số 9 trực thuộc Tổng công ty đóng tàu nhà nước Trung Quốc (CSSC). |
Điều này khiến người ta liên tưởng đến đảo Phú Lâm trên quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã chiếm của Việt Nam hồi giữa những năm 1950. Trung Quốc đã phát triển đảo này thành một căn cứ không quân-hải quân và chính từ đó, Trung Quốc có thể triển khai sức mạnh tiến vào Biển Đông. Đảo này có một đường băng dài 2.700 mét (khai trương vào năm 1990) và có 4 nhà chứa máy bay dành cho chiến đấu cơ phản lực cùng với một kho lưu trữ nhiên liệu. Quân đội Trung Quốc cũng đã xây dựng 3 quân cảng ở quần đảo Hoàng Sa.
|
Trung Quốc xây dựng sân bay, quân cảng ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa) mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam hồi giữa những năm 1950. |
“Đảo nhân tạo” đá Gạc Ma cũng có chức năng tương tự. Căn cứ vào lực lượng của Không quân và Hải quân Trung Quốc, sân bay trên đá Gạc Ma có thể chứa các loại chiến đấu cơ J-11 (có nguồn gốc từ Su-27) và J-16 (có nguồn gốc từ Su-30MKK2). Cả hai loại chiến đấu cơ này đều có bán kính hoạt động ít nhất 1.600 km.
Sân bay trên “đảo nhân tạo” Gạc Ma dự kiến cũng sẽ chứa được máy bay tuần tra biển được cải tiến từ máy bay vận tải Thiểm Tây Y-8. Một phát triển đáng chú ý nữa là loại thủy phi cơ JL-600. Sau khi trải qua các đợt thử nghiệm trong 2 năm 2013 và 2014, thủy phi cơ JL-600 sẽ giúp cho quân đội Trung Quốc linh hoạt hơn trong các hoạt động ở Biển Đông.
Trong khi đó, Đài Loan đã xây dựng một đường băng trên đảo Ba Bình từ năm 2006 và hiện đang nâng cấp các cơ sở hải quân ở đảo này. Về phần mình, Philippines cũng công bố kế hoạch nâng cấp đường băng và bến cảng trên đảo Thị Tứ, mặc dù nguồn lực vẫn là một vấn đề lớn đối với Manila. Chỉ có điều, không bên nào thay đổi hiện trạng “biến không thành có” như Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.
|
Chiến đấu cơ J-11 có bán kính hoạt động ít nhất 1.600 km. |
Trung Quốc khẳng định Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" và lẳng lặng tiến hành thay đổi nguyên trạng ở bên trong cái gọi là "đường chín đoạn" phi lý này. Trung Quốc luôn đổ lỗi cho các bên tranh chấp khác có hành động khiêu khích và buộc Bắc Kinh phải phản ứng. Trong khi đó, tầm quan trọng chiến lược của các tuyến hàng hải trên Biển Đông (trên 80\% nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc đi qua Biển Đông) chính là mệnh lệnh chính trị khiến Trung Quốc ráo riết thâu tóm vùng biển này.
Trong tháng 7/2014, Tiến sĩ Alessio Patalano của King College, London, nhận định rằng Trung Quốc đang thực thi "quyền lực lục địa" đối với Biển Đông và tập trung vào kiểm soát không gian. Điều này trái ngược hẳn với các quốc gia hàng hải khác như Mỹ và Vương quốc Anh, các nước muốn thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế cho mục đích sử dụng các vùng biển mà họ đã chiếm ưu thế trong thế kỷ qua.
Tiến sĩ Patalano cho rằng đối với Trung Quốc, "biển là một khu vực cần phải được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước", trong khi các cường quốc biển khác lại cho rằng "không gian hàng hải là của chung” và các quốc gia chỉ có thể “kiểm soát một cách hạn chế ".
Tại Biển Đông, sự khác biệt về nhận thức đó có thể buộc Mỹ phải rời bỏ chủ trương "không can thiệp" vào các tranh chấp chủ quyền mà Washington đã theo đuổi nhiều năm qua.