Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 2/2: Ukraine nhận tin vui về viện trợ từ EU

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Theo chia sẻ từ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, tất cả 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí về gói hỗ trợ bổ sung 50 tỷ euro cho Ukraine trong ngân sách khối.

Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Reuters cho hay ngày 1/2, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter): “Chúng ta đã đạt được thỏa thuận. Đoàn kết. Tất cả 27 nhà lãnh đạo nhất trí về gói hỗ trợ bổ sung 50 tỷ euro cho Ukraine trong ngân sách EU”.

The Guardian trích dẫn kết luận của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) cho biết thêm, nhà lãnh đạo EU cũng đồng ý tổ chức một cuộc tranh luận về sự hỗ trợ của liên minh này cho Ukraine hàng năm và sẽ xem xét lại sau hai năm nếu cần thiết.

Số tiền mà EU hỗ trợ Ukraine trị giá 50 tỷ euro sẽ được chia đều trong 4 năm tới. Tổng số tiền hỗ trợ tài chính vĩ mô của EU cho Ukraine vào năm 2023 lên tới 18 tỷ euro, được chuyển thanh toán hàng tháng với số tiền 1,5 tỷ euro. 

Theo nguồn tin của Reuters, trước hội nghị, lãnh đạo châu Âu đã gây sức ép lên Hungary, buộc quốc gia thành viên này ngừng phản đối viện trợ bổ sung cho Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại một cuộc họp báo ở Oslo (Na Uy) hồi tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Hồi tháng 12/2023, Hungary phủ quyết việc mở rộng ngân sách 2024  -2027 của EU để đưa 50 tỷ euro viện trợ tài chính vĩ mô cho Ukraine. Budapest đã đề xuất chia gói này thành 4 đợt, phải được phê duyệt hàng năm. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU được cho là phản đối việc trao cho Hungary quyền lựa chọn "phủ quyết hàng năm".

Để đổi lấy sự ủng hộ của Hungary, lãnh đạo EU cam kết sẽ không trích ngân sách viện trợ từ các quỹ mà EU vốn định cấp cho Budapest nhưng tạm thời đóng băng do những lo ngại liên quan đến việc chấp pháp ở nước này.

Điều kiện nêu trong thỏa thuận viện trợ cho Ukraine bao gồm cuộc thảo luận hàng năm về gói này và lựa chọn xem xét lại trong vòng 2 năm "nếu cần". Sau khi đạt được thỏa thuận về ngân sách viện trợ, giới chức EU dự kiến tiếp tục bàn về viện trợ cho Kiev.

VTC News dẫn thông tin từ Sputnik cho biết, các nước phương Tây, dẫn đầu là Mỹ, đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022.

Khoản viện trợ này phát triển từ việc cung cấp đạn pháo và huấn luyện vào năm 2022 cho đến vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng, hệ thống phòng không tiên tiến, các hệ thống tên lửa tầm xa năm 2023.

XEM THÊM: Căng thẳng Nga - Ukraine ngày 1/2: Binh sĩ Nga xâm nhập thành phố Avdiivka qua đường ống ngầm

Thế nhưng, trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine dần trở thành một cuộc xung đột tiêu hao, tâm lý mệt mỏi đã xuất hiện ở Mỹ và các quốc gia phương Tây viện trợ cho Kiev. Một số nước đang cân nhắc về việc tiếp tục bơm tiền, viện trợ quân sự để Kiev chống lại Moscow.

Nhiều đề xuất hòa bình cho cuộc xung đột đã được đưa ra nhằm giải quyết tình thế bế tắc hiện nay nhưng đều chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Nga và Ukraine.

Theo một số quan chức EU, nếu không có các khoản viện trợ mới, Ukraine sẽ cạn ngân sách vào tháng 3/2024. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cuộc phản công của Ukraine đi vào ngõ cụt và Nga có thể giành chiến thắng.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật