“Việc giao hàng của chúng tôi đã giảm. Hoạt động này thực sự bị chậm lại”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16/11 nói với các phóng viên khi đề cập đến pháo 155 mm mà quân đội nước này đang sử dụng rộng rãi ở tiền tuyến phía Đông và phía Nam.
Tuy nhiên, ông Zelensky nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine. “Chỉ là các bên đang tìm cách đảm bảo nguồn dự trữ đạn của mình. Nhiều kho đạn đã trống hoặc chạm mức tối thiểu mà họ không thể cung cấp thêm", ông nói.
Tổng thống Ukraine thừa nhận gặp bất lợi do chiến sự Israel – Hamas. Ảnh: Getty Images
Tờ New York Time tháng trước đưa tin, hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác, đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO sẽ có nhu cầu cao vì cả Israel và Ukraine đều sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu trong phạm vi rộng.
Kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra vào tháng 2/2022, Ukraine đã nhận hơn 2 triệu viên đạn 155 mm từ Mỹ và hàng trăm nghìn viên đạn cùng loại khác từ châu Âu. Tuy nhiên, Đô đốc Rob Bauer - một quan chức hàng đầu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mới đây cho biết, loại đạn này trong kho dự trữ quân sự của phương Tây hiện đã gần như cạn kiệt.
Vào tháng 1, Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ khai thác kho dự trữ của Mỹ ở Israel và vận chuyển hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155 mm tới Ukraine nhằm nhanh chóng cung cấp vũ khí cho toàn khu vực khi cần thiết.
Khoảng một nửa số đạn pháo trong kho dự trữ ở Israel đã được chuyển đi vào mùa đông năm ngoái. Lầu Năm Góc hiện có kế hoạch chuyển ít nhất một số phần còn lại sang quân đội Israel.
Một quan chức của Lầu Năm cho biết Israel và Ukraine có thể nhận được các biến thể đạn dược khác nhau để tránh trùng lặp. Mỹ có thể cung cấp cho Israel đạn pháo dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu ở khu vực đô thị đông đúc, trong khi đạn chùm đang được gửi tới Ukraine có thể hiệu quả hơn khi tấn công các vị trí trải rộng trên chiến trường.
Tuy nhiên, Ukraine đôi khi đã sử dụng hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trong chiến dịch phản công nhằm giành lại của mình. Điều này khiến các quan chức quân sự ở Kiev cũng như trên toàn NATO lo ngại số đạn mà phương Tây cung cấp sẽ sớm cạn kiệt.
Các nhà sản xuất ở Mỹ và châu Âu đang đẩy mạnh sản xuất đạn dược ở tốc độ cao, nhưng có lẽ sẽ phải mất nhiều năm nữa họ mới có thể bổ sung đầy đủ vào kho dự trữ của NATO và đáp ứng nhu cầu của Ukraine - chưa kể đến Israel.
Phương Uyên (Theo AFP)