Vào thời điểm 12h ngày 24/2, giá bitcoin (BTC) giảm về mốc 35.060 USD, mất 7,75% trong 24 giờ. Trong đó, tổng giá trị vốn hóa của thị trường bitcoin chỉ còn 665 tỷ USD.
Vùng giá 35.000 USD vẫn chưa phải đáy của bitcoin vào năm 2022. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới từng giảm xuống 33.495 USD/đồng hồi cuối tháng 1. So với mức ATH lịch sử từ tháng 11/2021, Bitcoin đã bốc hơi 50% giá trị.
Đồng tiền điện tử này được những người ủng hộ nó coi là "vàng kỹ thuật số" hay "hầm trú ẩn an toàn", đóng vai trò như một hàng rào chống lại lạm phát.
Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát ở mức cao trong lịch sử, nhiều người kỳ vọng rằng đây sẽ là thời gian mà Bitcoin tỏa sáng. Tuy nhiên, cái gọi là "hầm trú ẩn an toàn này" này đã mất hơn một nửa giá trị kể từ khi đạt đỉnh 69.000 USD vào tháng 11/2021.
Nhìn chung, hàng loạt đồng tiền số khác cũng rơi vào xu hướng điều chỉnh mạnh từ 6-12%. Ngoài các stablecoin, nhóm 10 đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện gồm Bitcoin, Ethereum, Binance coin, XRP, Cardano, Solana và Terra. Sau thời gian tăng trưởng ngắn ngủi, Avalanche tiếp tục bị đánh bật khỏi nhóm này.
Căng thẳng Nga và Ukraine đang leo thang được cho là nguyên nhân khiến bitcoin mất giá. Ảnh: CNBC
Theo CNBC, căng thẳng Nga và Ukraine đang leo thang được cho là nguyên nhân khiến thị trường tiền số, chứng khoán "rực lửa". Gần đây, các phiên giao dịch bitcoin đang song hành với chiều tăng hoặc giảm của thị trường chứng khoán.
"Mối tương quan giữa tiền số và cổ phiếu đã lớn hơn trong vài tháng qua, khi có nhiều yếu tố vĩ mô liên quan đến lạm phát và căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine", ông Chris Dick, trader định lượng tại công ty tiền số B2C2, cho hay.
Ông Dick nhấn mạnh rằng, mối tương quan này cho thấy bitcoin đang thể hiện vai trò là một loại" tài sản rủi ro" và không phải "hầm trú ẩn an toàn" như được tung hô cách đây vài năm.
Đồng quan điểm, Yuya Hasegawa, nhà phân tích tại sàn giao dịch Nhật Bản Bitbank, nhận định: "Câu chuyện Bitcoin là nơi trú ẩn an toàn gần như hoàn toàn tan vỡ khi khả năng xung đột quân sự ngày càng tăng và mối quan hệ Mỹ - Nga dần xấu đi. Thị trường tài chính hiện chuyển sang chế độ lo ngại rủi ro".
Ngoài ra, bitcoin rơi vào xu hướng giảm cũng được cho là do chịu những sức ép khi các nước như Mỹ, Trung Quốc chuẩn bị siết chặt quy định kiểm soát.
Trước những sự bất ổn về thị trường tiền số, giới chuyên gia từng dự báo khả năng cao là "mùa đông tiền số" (crypto winter), một hiện tượng chỉ sự sụt giảm mạnh của thị trường tiền điện tử, sắp đến.
Trước đó, sự kiện mùa đông tiền số từng xuất hiện vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018 sau khi bitcoin giảm tới 80% giá trị so với mức cao nhất mọi thời đại.
"Mức quan trọng để theo dõi bitcoin là khi giá về mốc 30.000 USD. Nếu đồng tiền điện tử có vốn hóa lớn nhất thị trường duy trì vùng giá này trong một tuần hoặc hơn một tuần và khả năng cao là mùa đông tiền số sẽ xuất hiện", ông Vijay Ayyar, Phó chủ tịch sàn giao dịch tiền mã hóa Luno, nhận định.
Ông David Marcus, cựu giám đốc tiền điện tử tại Meta (công ty mẹ của Facebook), cho rằng khi mùa đông tiền số diễn ra, mọi người có thể xây những hệ sinh thái về tiền số tốt hơn. "Đây cũng là thời gian để chúng ta giải quyết các vấn đề thực tế thay vì chỉ với một động thái là bơm token", ông nêu quan điểm.
Hoa Vũ (T/h)