Những căn2g thẳng diễn ra giữa Nga - Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến giới quan sát lo ngại về một cuộc Chiến tranh lạnh mới sắp hình thành?
Căng thẳng leo thang
Tuần trước, khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson vừa tới Nga để gặp người đồng cấp Sergey Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố một danh sách dài “những rắc rối do Washington gây ra”.
“Quan hệ Nga-Mỹ rõ ràng đang rơi vào giai đoạn tồi tệ nhất từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chính quyền Mỹ trước đó đã làm mọi thứ khiến tình hình trở nên trầm trọng”, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov sau cuộc gặp tại Moscow, Nga hồi tuần trước. (Ảnh: AFP) |
Tổng thống Nga Vladimir Putin còn so sánh lời cáo buộc của Mỹ rằng Syria gây ra vụ tấn công vũ khí hóa học với cái cớ mà Lầu Năm Góc đã dùng để đánh Iraq từ năm 2003.Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ tuyên bố tăng cường hoạt động hải quân tại Địa Trung Hải ở mức chưa từng có, kể từ thời Liên Xô.
Nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev – người từng nhiều lần cảnh báo về “thời kỳ bình minh” của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, trong một bài phỏng vấn trên báo chí tuần qua lại tiếp tục khẳng định: “Giọng điệu của các chính trị gia và những chuyên viên quân sự cao cấp đang trở nên ngày càng hung hăng. Những học thuyết quân sự dần trở nên gay gắt, tất cả những dấu hiệu của Chiến tranh Lạnh đã hiện hữu”.
Trên thực tế, lời qua tiếng lại giữa Mỹ và Nga đã được kiềm chế nhưng giới lãnh đạo giữa hai bên nói ngày càng nhiều về việc mất niềm tin chiến lược. Các chuyên gia chỉ ra rằng tình trạng tương tự cũng đã từng xả ra với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Vậy bản chất của những mối quan hệ đã tới mức đẩy xung đột thành một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản mới?
Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0?
Các chuyên gia phân tích an ninh và lịch sử cho hay, sự leo thang căng thẳng về địa chính trị đang thúc đẩy những xung đột giữa các khu vực trên toàn cầu, rất giống với những diễn biến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, điển hình là cuộc chiến tại Syria và xung đột tại Ukraine.
Quan hệ Mỹ-Nga vẫn tiếp tục căng thẳng, điều đó có tiềm ẩn nguy cơ của một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản 2.0? (Ảnh: Getty) |
Nhưng ngay cả trong trường hợp thiếu tin tưởng giữa Nga và Mỹ ngày càng gia tăng, vì không có sự đối đầu về ý thức hệ nên các chuyên gia khó có thể chắc chắn nói về sự trở lại của Chiến tranh Lạnh.
“Sự khác biệt lớn nhất là khi đó hai quốc gia hầu như hoàn toàn khác biệt nhau về ý thức hệ, trong khi bây giờ họ cùng tiếp thu một thế giới quan”, ông Mark Galeotti, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Viện Quan hệ quốc tế Prague (Cộng hòa Séc), nói.
Dù có một số dấu hiệu cho thấy tình hình giữa Nga và Mỹ giống như sắp sửa diễn ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới nhưng thực tế nó không giống với những gì đang diễn ra vào nửa sau thế kỷ 20.
Hơn nữa, các chuyên gia cho hay, nếu Chiến tranh Lạnh có thể xảy ra, điều đó không phụ thuộc chỉ vào ý chí của hai cường quốc là Nga và Mỹ, mà còn phải có sự tham gia của rất nhiều các bên đối trọng, các nước lớn khác.
Nói cách khác, Nga và Mỹ không thể giải quyết các vấn đề toàn cầu một cách hiệu quả mà không có sự giúp đỡ của các quốc gia, khu vực khác. Kỷ nguyên giải quyết vấn đề chỉ thông qua ý chí của hai bên đã chấm dứt cùng với sự tan rã của Liên Xô.
Chính đặc điểm trên là tiền đề cho sự khó đoán định và những rủi ro trong chính trường thế giới hiện đại khiến người ta thường nghĩ rằng chúng ta đang rơi vào thời kỳ giống Chiến tranh Lạnh.
Trong thế giới hiện đại, nơi nguy cơ khủng bố luôn tồn tại, Chiến tranh Lạnh nếu có cũng không chỉ xuất phát từ hai cực, mà đó là những mâu thuẫn đan xen, khó xác định. “Những xung đột ngày nay ngày càng mở rộng”, Fedyashin nhận xét.
Trong Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô vẫn đưa ra những thỏa thuận thực chất nhằm kiểm soát tình hình thế giới, dù họ có tuyên bố hung hăng tới đâu. Trong khi đó, sự phức tạp của tình huống hiện tại khiến người ta khó đoán được cách giải quyết nếu xảy ra một cuộc chiến thực sự giữa những mối quan hệ phức tạp như hiện nay.
Phải chăng các nhà lãnh đạo thế giới cần một sự kiện tương tự như khủng hoảng tên lửa Cuba mới có thể xây dựng được một cơ chế quản lý khủng hoảng mới liên quan tới thời kỳ Chiến tranh Lạnh? Câu hỏi trên vẫn cần thêm thời gian để giải đáp. Nhưng trong lúc đó, những nhà hoạt động chính trị vẫn sống trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh 2.0.
Danh Tuyên