Hàng chục nhà ngoại giao phương Tây ở Kyiv (Ukraine) đã thu dọn hành lý và chuẩn bị rời thành phố vào tôi 13/2 (giờ địa phương), khi nhiều quốc gia thúc giục công dân di chuyển khỏi Ukraine.
6 tháng sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul khiến thể giới bất ngờ, các chính trị gia đang tiếp tục đề phòng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh khác ở Ukraine vào thời điểm Nga triển khai binh sĩ tới biên giới nước này.
Theo đó, trang tin Ukraine Novoe Vremya thông tin chính phủ của 39 quốc gia đã cảnh báo người dân không nên đi du lịch đến Ukraine. Nhiều công dân cũng được cảnh báo rằng nếu họ không rời đi ngay bây giờ, họ có thể không được sơ tán khỏi Ukraine.
Tuần trước, Mỹ cho biết Nga có thể tiến hành một cuộc tấn công tổng lực "bất kỳ lúc nào". Theo đó, Washington đang sơ tán tất cả các nhân viên và chỉ để lại nhóm nhỏ các nhà ngoại giao ở Ukraine. Đồng thời, Mỹ tiếp tục khuyến cáo công dân nên rời đi càng sớm càng tốt.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 12/2 nói: "Đây không còn là thời điểm để rời Ukraine nữa, thời điểm để rời Ukraine sắp qua rồi".
Ngoài Mỹ, Anh và Đức cũng đã thúc giục công dân của họ rời Ukraine ngay lập tức.
Đại sứ quán Anh tại Kyiv. Ảnh: AFP
Một trong những bước đi quan trọng nhất là Anh, Canada và Mỹ đã quyết định rút nhân viên khỏi phái bộ giám sát ở khu vực xung đột phía Đông Ukraine, do Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) điều hành, vào thời điểm mà phương Tây tiết lộ tình báo nói rằng Nga có thể đang chuẩn bị một sự cố "cờ giả" trong khu vực.
Đại sứ quán Mỹ và Canada đã rút các nhân viên không quan trọng và các thành viên gia đình họ về nước, đồng thời đang sơ tán những người khác đến thành phố Lviv, miền Tây Ukraine. Lực lượng quân sự của Mỹ, Canada và Anh có nhiệm vụ huấn luyện tại nước này cũng đã được rút về nước.
Trong khi đó, Đại sứ Anh Melinda Simmons được báo cáo sẽ ở lại Kyiv và làm việc cùng một nhóm cốt cán, trong khi các nhà ngoại giao khác của nước này đã được cử về nước.
Công dân Mỹ ở Ukraine cho biết họ đã nhận được cuộc gọi từ bộ ngoại giao cảnh báo họ phải rời đi càng sớm càng tốt. Cụ thể, Joseph Davis, một công dân Mỹ sống ở Odessa, nói: "Đó không phải là một mệnh lệnh nhưng đó là một lời khuyên rất mạnh mẽ.
Tuy nhiên, Davis chia sẻ anh đã quyết định ở lại Ukraine vì anh ấy tin rằng nỗi sợ hãi chiến tranh đã quá lớn và anh ấy có gia đình, bạn bè và đồng nghiệp trong thành phố.
Thông điệp từ các thủ đô phương Tây, đặc biệt là Washington và London, được cho là trái ngược hẳn với giọng điệu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Điều này đã gây ra nhiều quan điểm trái chiều, trong đó, nhiều quan chức nước ngoài cảm thấy ông Zelenskiy, một cựu diễn viên hài, không có chiều sâu và đã từ chối nghiêm túc xem xét một mối đe dọa.
Tuy nhiên, theo đội ngũ của tổng thống Ukraine, những cảnh báo liên tục về nguy cơ chiến chiến tranh đang làm lan truyền sự hoảng sợ trong nước và gây ra hỗn loạn kinh tế.
Ông David Stulík, một cựu quan chức ngoại giao EU tại Kyiv, cho biết việc sơ tán có thể là một phần của "thông điệp chiến lược" tới người Nga để cho thấy rằng phương Tây đang xem xét tình hình một cách nghiêm túc.
Nhưng nhiều người Ukraine lại bày tỏ sự thất vọng với việc rút quân và nhân viên, nói rằng với khả năng đóng cửa không phận trong những ngày tới, có cảm giác như Ukraine mới là nước bị trừng phạt.
Bà Daria Kaleniuk, giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Chống Tham nhũng của Ukraine cho biết: "Các công dân phương Tây được lệnh phải rời đi, nhưng chúng tôi không có nơi nào để đi. Những người dân Ukraine bình thường nên nhìn nhận điều đó như thế nào?"
Bà nói rằng các quốc gia phương Tây nên ngay lập tức để ngăn chặn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 và áp đặt các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các nhà tài phiệt có liên hệ với Điện Kremlin, thay vì bảo lưu các biện pháp này tới sau khi Nga "động binh".
Bà Kaleniuk nói: "Nếu bạn có thông tin tình báo đủ mạnh để sơ tán công dân của mình, thì bạn có lý do chính đáng để hành động cứng rắn với Nga ngay bây giờ".
Một số nhà ngoại giao ở Kyiv nói rằng những hình ảnh về các nỗ lực rút lui và sơ tán hỗn loạn khỏi Afghanistan năm ngoái đang ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trí của những nhà lãnh đạo phương Tây.
Ở Anh, Thứ trường Ngoại giao David Lammy, đã đưa ra so sánh một cách rõ ràng. Ông nói: "Sau sự hỗn loạn của cuộc di tản khỏi Afghanistan, chúng tôi yêu cầu chính phủ xem xét lại những bài học đúng đắn đã được rút ra".
Dù vậy, nhiều người khác đã đặt câu hỏi liệu việc so sánh sự kiện ở Kabul với một quốc gia có biên giới trên bộ gần một số quốc gia thành viên EU ở phía Tây có phù hợp hay không.
Ông Stulík bình luận: "Nếu quân đội Nga tiến vào Ukraine hoặc thậm chí là Kyiv, họ sẽ không đuổi theo nhân viên địa phương của các đại sứ quán phương Tây và tất cả các đại sứ quán sẽ tiếp tục công việc của họ".
Tuy nhiên, ông cho biết việc sơ tán là một biện pháp phòng ngừa tạm thời hợp lý đối với tình huống xấu nhất.
Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết họ sẽ "tối ưu hóa" nhân viên tại đại sứ quán và ba lãnh sự quán ở Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết điều này là do "có thể có các hành động khiêu khích từ Kyiv hoặc các nước thứ ba".
Hiện vẫn chưa rõ việc rút các giám sát viên của Mỹ, Anh và Canada sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến sứ mệnh của OSCE ở miền Đông Ukraine. Theo báo cáo hồi tháng 1, phái bộ có 680 giám sát quốc tế, trong đó 57 người từ Mỹ, 40 người từ Anh và 28 người từ Canada.
Bà Helga Maria Schmid, tổng thư ký OSCE, đã viết trên Twitter rằng phái đoàn giám sát và các dự án OSCE khác ở Ukraine "sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của họ mà không bị gián đoạn". Không rõ liệu các quốc gia khác có tiếp tục rút nhân viên của họ trong những ngày tới hay không.
Một thành viên người Mỹ của phái bộ chia sẻ: "Nếu tôi được cho một sự lựa chọn, tôi sẽ ở lại nhưng chắc chắn là hiện nay tôi không có sự lựa chọn nào khác. Có một chút băn khoănvề lý do tại sao mọi người buộc phải rời khỏi khu vực xung đột đang hoạt động vì lý do an toàn, đó là bởi một cuộc xung đột tiềm ẩn".
Minh Hạnh (Theo The Guardian)