Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trao đổi với VnEpress, mất ngủ hậu COVID-19 do nhiều nguyên nhân gây ra. Đầu tiên là do tác động trực tiếp của COVID-19 đặc biệt virus đã được tìm thấy trong nhu mô não ở vùng vận động, hồi hải mã, hành khứu giác.
Thứ hai là do sự hoạt hóa quá mức các tế bào miễn dịch - đại thực bào gây ra quá trình thoái hóa các tế bào thần kinh. Thứ ba là do giảm lưu lượng máu lên não, đặc biệt ở hệ viền - cơ quan kiểm soát cảm xúc của não bộ do tế bào nội mạc mạch máu bị tổn thương, hình thành cục máu đông.
Khoảng thời gian giãn cách vì dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm thần của người bệnh. Không thể làm việc như bình thường, thất nghiệp, hạn chế đi lại, ở lâu trong nhà xem máy tính, tivi, điện thoại... với tác động của ánh sáng xanh càng làm người bệnh khó ngủ.
Ảnh minh họa.
Ngoài ra, vấn đề tâm lý khi nhiễm COVID-19 như lo lắng về tình trạng sức khỏe, tài chính, công việc, mất người thân... cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ. Căng thẳng thúc đẩy cơ thể gia tăng sản xuất gốc tự do và kích hoạt các chất dẫn truyền thần kinh hoạt động quá mức trong não, làm cho người bệnh không thể hoàn toàn thư giãn. Khi não bộ và cơ thể luôn ở trạng thái căng thẳng sẽ rất khó để đi vào giấc ngủ.
Mất ngủ hậu COVID-19 cũng được cho là có liên quan đến một số loại thuốc điều trị COVID-19 như thuốc corticoide, kháng sinh... Sử dụng những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ là mất ngủ, khó ngủ, ngủ chập chờn.
Cần tránh điều gì để chữa mất ngủ hậu COVID-19
Liên quan vấn đề vệ sinh giấc ngủ, Ths.BS Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khỏe Tâm thần trao đổi với Tri thức trực tuyến, bạn nên tránh tiếng ồn mạnh, sử dụng chất lích thích hay tập thể dục quá nặng, ăn nhiều đồ dầu mỡ. Bệnh cạnh đó, người bệnh không nên suy nghĩ quá nhiều về công việc trong ngày, tập trung hơn vào thực tại để duy trì giấc ngủ tốt.
Những người gặp rối loạn giấc ngủ cần tránh để môi trường ngủ bừa bộn, bí bách. Bạn nên dọn dẹp sạch sẽ thông thoáng, lựa chọn trang phục rộng rãi, thoải mái, bảo đảm lưu thông khí huyết. Căn phòng cần hạn chế các thiết bị, đồ dùng càng tốt.
Bệnh nhân nên tạo nhịp sinh học đi học vào một giờ cố định, bảo đảm không gian yên tĩnh hoặc có thể nghe nhạc nhẹ khi ngủ. Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp ngâm chân bằng nước ấm, dược liệu, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ.
Linh Chi (T/h)