(ĐSPL) – Liên quan đến dự thảo của Bộ Nội vụ quy định "các cán bộ quản lý cấp cao phải có lòng yêu nước sâu sắc", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc đặt câu hỏi: “Làm sao để đong đếm được lòng yêu nước?”.
Mới đây, Bộ Nội vụ công bố Dự thảo nghị định "Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước", trong đó yêu cầu "các cán bộ quản lý cấp cao phải có lòng yêu nước sâu sắc".
Ngay sau đó, trong dư luận có nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra tiêu chuẩn "phải có lòng yêu nước sâu sắc" là không cần thiết và không hợp lý, bởi lòng yêu nước thì không cần phải quy định.
|
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: “Làm sao để đong đếm được lòng yêu nước?” |
Nhận định về vấn đề này, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: “Đây là tiêu chuẩn số 1 của công chức. Tuy nhiên, tôi thấy không cần thiết khi đưa ra tiêu chuẩn “phải có lòng yêu nước sâu sắc”, bởi đó vốn dĩ là một điều hiển nhiên. Cái quan trọng là làm sao để biến lòng yêu nước đó thành hành động. Nếu nói một cách chính xác hơn, thì tiêu chuẩn đó phải là trung thành, tận tụy với công vụ, phục vụ nhân dân, phục vụ nhà nước, đó mới chính là yêu nước”.
“Còn yêu nước thì người dân thường cũng yêu nước chứ nói gì đến quan chức cao cấp, và làm sao để có thể đong đếm được lòng yêu nước? Nói chung, đưa ra tiêu chuẩn trên là thừa”, ông Phúc khẳng định.
Riêng về việc quy định: Thứ trưởng phải có trình độ ngoại ngữ từ bậc 6 trở lên, ông Phúc nhận định đây là một yêu cầu khá cao và không khả thi trong bối cảnh hiện nay của nước ta.
“Cách đây 10 năm khi sửa Luật Giáo dục, tôi cũng đã đề nghị phải đưa Tiếng Anh vào trong trường đào tạo như ngôn ngữ thứ 2 thì may ra 10 năm sau chúng ta mới có thể có được đội ngũ nói và làm việc được bằng tiếng Anh. Đó là bài học thành công của các nước ASEAN khi mà họ tham gia hội nhập và quan hệ quốc tế, tạo một cơ hội thuận lợi cho việc tiếp cận nền văn minh nhân loại và thương mại thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa thực hiện được điều đó, vì vậy, việc đặt ra một tiêu chuẩn như trên là không phù hợp. Hơn nữa, có rất nhiều lĩnh vực, nên nếu đưa ra một tiêu chuẩn nào đó thì cần phải đặt nó trong một lĩnh vực cụ thể”, ông Phúc nhấn mạnh.
|
Ông Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội. |
Trong khi đó, TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho rằng, những quy định trong dự thảo nêu trên thực ra cũng đã được nhắc đến trong các văn bản pháp luật khác như Luật cán bộ công chức, viên chức.
“Nếu xét về góc độ lượng hóa thì rất khó để xác định hay đong đếm lòng yêu nước, và khi đưa ra một quy định của pháp luật để xem xét cá nhân nào đó có đáp ứng hay không thì phải đưa ra được một tiêu chuẩn có định lượng cụ thể chứ không phải định tính, tránh những cái chung chung quá hay những cái mà không thể kiểm nghiệm được”.
“Giả sử giờ tuyển một người và hỏi người đó rằng anh có yêu nước hay không thì chắc hẳn người ta sẽ khẳng định là có, nhưng lấy gì để có thể xác định được điều đó. Vì vậy, việc yêu nước hay không phải được thể hiện bằng hành động, ví dụ như khi đất nước có xâm lăng thì anh có tham gia tích cực hay đóng góp sức người, sức của hay ủng hộ tinh thần cho đất nước hay không”, ông Thảo đặt vấn đề.
Còn về tiêu chuẩn Thứ trưởng phải có trình độ ngoại ngữ từ bậc 6 trở lên, ông Thảo khẳng định: “Đúng là nếu xét trong xu hướng hội nhập của nước ta hiện nay thì ngoại ngữ rất quan trọng, tuy nhiên, nếu đưa ra 1 tiêu chuẩn như vậy để áp dụng cho thời điểm hiện tại thì đúng là sẽ rất khó, bởi nhiều người có kinh nghiệm thực tế, rất giỏi nhưng lại chưa thực sự giỏi ngoại ngữ. Vì vậy cần xét với từng vị trí công việc cụ thể để đưa ra quy định”.
|
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: "Nếu đưa ra các tiêu chuẩn chung chung, mơ hồ và trừu tượng thì sẽ không đem lại bất cứ kết quả gì". |
Đón nhận thông tin về dự thảo của Bộ Nội vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất hoàn nghênh khi Bộ Nội vụ suy nghĩ đến việc đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, trên quan điểm cá nhân, ông Hùng cho rằng những tiêu chuẩn đó vẫn còn quá chung chung.
“Việc xây dựng tiêu chuẩn là nhằm giúp cá nhân các cán bộ căn cứ vào đó để phấn đấu, để cho người dân và tổ chức lấy đó làm căn cứ để đánh giá, vì thế, nếu đưa ra các quy định chung chung, mơ hồ và trừu tượng thì sẽ không đem lại bất cứ kết quả gì, phải làm sao để xây dựng tiêu chuẩn một cách cụ thể, công phu để nhìn vào đó người ta có thể đánh giá chính xác nhất. Bên cạnh đó, không nên đi vào những chi tiết quá vụn vặt. Ví dụ như việc yêu cầu bằng cấp đối với các chức vụ như Thứ trưởng thì không nên quá cứng nhắc. Nếu quá câu nệ bằng cấp thì chắc chắn sẽ làm nảy sinh tiêu cực, mua bán bằng cấp” – ông Hùng khẳng định.
Dự thảo cần được lấy ý kiến rộng rãi
Trao đổi với Pv báo Đời sống và Pháp luật, ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết: "Theo tôi, tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp phải dựa trên 2 điểm cơ bản: tài năng và đạo đức. Nếu chỉ chú trọng các quy định về nghiệp vụ chuyên môn mà không chú ý tới đạo đức thì không được. Ngoài ra, nếu có bổ sung thì chỉ nên thêm quy định phải có năng lực quản lý".
Ông Phương cho rằng, đã là cán bộ cao cấp tất nhiên phải có tinh thần yêu nước, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, theo tôi tiêu chuẩn yêu nước có thể có trong quy định cũng được mà không có cũng chẳng sao.
Người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, sẵn sàng đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là phẩm chất đã ngấm vào máu thịt của toàn dân chứ không chỉ riêng lãnh đạo cấp cao. Vì thế đưa quy định đó vào là không cần thiết.
Về quy định cán bộ cấp cao phải trung thực, không cơ hội, ông Phương nhận định, để đánh giá được việc này phải theo dõi quá trình công tác của cá nhân đó. Quy định như thế là được vì đánh giá con người phải có tiêu chuẩn cụ thể, rõ ràng.
"Thế nhưng, như tôi đã nói ở trên chỉ cần quy định cán bộ phải có đạo đức là được bởi đạo đức bao gồm cả tính trung thực, không cơ hội… Tất nhiên phạm trù đạo đức khá rộng, quy định thế thì khá chung chung, nhưng nếu không vậy thì lại thành ra thiếu", ông Phương cho hay.
Liên quan đến quy định về trình độ ngoại ngữ của các cán bộ cấp cao như Thứ trưởng, ông Phương bình luận: "Thứ trưởng mà yêu cầu trình độ ngoại ngữ cấp bậc 6 như thế là chưa hợp lý, chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Với thứ trưởng, ngoài năng lực chuyên môn, đạo đức thì năng lực quản lý là quan trọng chứ còn trình độ ngoại ngữ thì ở mức độ nào đó thấp hơn là phù hợp.
Muốn thực hiện được việc này phải có lộ trình tức là sau khoảng bao nhiêu năm nữa chúng ta sẽ đạt được chuẩn trên chứ hiện tại không thể áp dụng ngay được".
Theo ông Phương, Bộ Nội vụ nên phổ biến và lấy ý kiến rộng rãi ở các cấp, ngành, các lĩnh vực, các đối tượng và cả các nhà khoa học, người dân để có tiếng nói thống nhất. Nếu chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của ai đó thì khi ban hành sẽ có nhiều luồng dư luận trái chiều.
Bộ Nội vụ vừa công bố Dự thảo nghị định "Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước" để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý gồm: thứ nhất, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Hai là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Ba là có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. |