1. Thế nào là chai?
Chai là một vùng da bị hóa sừng, do quá sản các lớp thượng bì, đặc biệt là ở lớp sừng, ở tổ chức đệm là một khối xơ do tổ chức xơ quá phát triển.
Chai không có nút sừng trung tâm và xuất hiện nhiều hơn. Chúng thường xuất hiện trên bàn tay hoặc bàn chân, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác, đặc biệt là ở người có nghề nghiệp không tránh được chấn thương lặp lại ở một khu vực cụ thể
Tổn thương là những đám dầy sừng màu ngà, vàng, khum lên, hình tròn hay bầu dục, sờ vào rất cứng, vùng ranh giới với da lành có thể bị nứt, từ đó gây bội nhiễm, đau đớn, đôi khi ở trung tâm bong sừng tạo nên một lõm ở giữa.
Những tác nhân gây ra tình trạng này thường là viết quá lâu, lái xe máy hoặc sử dụng các công cụ lao động.
2. Cách khắc phục vết chai tay
Nước ấm
Đôi khi ngâm tay trong nước ấm khoảng 20 phút là đủ. Sau khi ngâm, hãy lau khô tay và sau đó có thể nhẹ nhàng chà xát để loại bỏ vết chai. Nước ấm sẽ làm cho làn da mềm mại hơn. Theo Viện Da liễu Hoa Kỳ, ngâm tay vào nước ấm có vẻ rất đơn giản, nhưng đó là phương pháp tốt nhất để thử trước tiên.
Giấm táo
Các chuyên gia tại chuyên trang sức khỏe Healthline đánh giá, một trong những phương pháp giúp loại bỏ lớp da cứng ở vết chai là sử dụng giấm táo. Theo đó, hãy pha giấm táo với nước theo tỉ lệ 1 giấm táo, 2 nước rồi ngâm tay từ 20 đến 30 phút.
Sau khi ngâm xong, lau khô tay rồi dùng bàn chải lông cứng chà sát hoặc dùng kéo loại bỏ dần vết chai. Cũng lưu ý, chỉ nên chà hoặc cắt bỏ vết chai tay khi nó đã mềm còn nếu vết chai vẫn cứng hãy ngâm tiếp vào những lần sau cho đến khi có thể loại bỏ hoàn toàn.
Đá bọt
Không nhiều người biết đến công dụng của đá bọt nhưng chúng mang lại hiệu quả khá bất ngờ trong việc loại bỏ vết chai tay. Đầu tiên hãy ngâm tay trong nước ấm rồi kế đến, chà xát khu vực chai sạn theo chuyển động tròn với đá bọt khoảng 1 đến 2 phút.
Lặp lại cách làm trên từ 5 - 7 ngày liên tục cho đến khi vết chai mềm hẳn rồi tiến hành loại bỏ bằng cách nhẹ nhàng cắt bỏ.
Giấy nhám
Vì vết chai trên tay đôi khi khó xử lý bằng đá bọt, bạn cũng có thể dùng giấy nhám mịn. Nhắc lại, trước tiên bạn phải ngâm tay trong nước và không chà bằng giấy nhám quá lâu. Sẽ tốt hơn nhiều cho làn da nếu làm điều này nhẹ nhàng vài lần. Nếu cố gắng làm sạch vết chai trong một lần, da có thể bị tổn thương.
Baking soda và nước cốt chanh
Bạn có thể sử dụng baking soda và nước cốt chanh để loại bỏ vết chai tay. Thành phần axit (nước cốt chanh) và thành phần hóa học (banking soda) có thể đạt được điều này khi kết hợp với nhau. Đầu tiên, pha một vài thìa nước cốt chanh với nước ấm và ngâm tay vào nước này. Sau một vài phút, thêm baking soda và ngâm tay trong nước một lúc. Sau đó, cố gắng nhẹ nhàng chà xát vết chai đi.
Tinh dầu trà
Đối với vết chai tay, tinh dầu trà được xem là nguyên liệu mang đến hiệu quả cao khi vừa có thể loại bỏ vết chai vừa giúp kháng khuẩn, chống nấm nếu chẳng may vùng da tay bị tổn thương.
Để loại bỏ vết chai tay với tinh dầu trà, hãy đổ nước ấm vào một chiếc chậu nhỏ và nhỏ thêm một vài giọt tinh dầu trà trước khi ngâm tay 15 phút. Sau thời gian trên, nhẹ nhàng chà xát để loại bỏ dần vết chai.
Dầu thầu dầu
Dầu thầu dầu có chứa các đặc tính có thể làm mềm vết chai trên tay, vì vậy nó có thể giúp xoá vết chai đi. Cách này hiệu quả nhất nếu ngâm tay trong dung dịch nước ấm và 5 thìa dầu thầu dầu. Dầu thầu dầu cũng làm dịu vùng da xung quanh vết chai.
Đu đủ
Đu đủ không chỉ là loại trái cây thơm ngon mà còn là sản phẩm chăm sóc da hiệu quả. Đặc biệt là trong việc điều trị chai tay, mang lại làn da mềm mịn, trắng sáng.
Phương pháp này thực hiện vô cùng đơn giản, bạn chỉ cần cắt đu đủ thành các lát có độ dày vừa phải, ép trực tiếp các miếng đu đủ vừa cắt lên vùng da tay bị chai sạn trong 15 phút. Chỉ sau lần đầu thực hiện, bạn cũng sẽ thấy làn da tay sần sùi của bạn đã được cải thiện rõ rệt.
Dầu ô liu
Dầu ô liu được biết đến với nhiều công dụng thần kỳ trong việc làm đẹp như: dưỡng tóc, làm mềm và dưỡng ẩm cho da,... Chính vì thế, nhiều chị em còn lựa chọn dầu ô liu trong việc dưỡng ẩm cho đôi tay, làm giảm các vết chai sạn. Bởi trong dầu ô liu có chứa hàm lượng vitamin E có tác dụng cải thiện tình trạng da khô ráp, chai sạn.
Linh Chi (T/h)