Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin điều trị. Vì vậy, để phòng bệnh cho con, các mẹ tuyệt đối không nên sử dụng các bài thuốc chưa có cơ sở khoa học kiểm chứng.
Hiện nay, thời tiết thất thường là nguyên nhân của nhiều dịch bệnh phát triển, trong đó phải kể đến bệnh tay chân miệng. Hà Nội ghi nhận 531 trường hợp mắc tay chân miệng. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận trên 70 nghìn trường hợp mắc tại 63/63 tỉnh/thành phố. Trong đó, theo báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong tuần từ 2/10-8/10/2017 trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 97 trường hợp mắc tay chân miệng. Lũy tích từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 531 trường hợp, không có trường hợp tử vong.
Bệnh tay chân miệng là gì? Bệnh tay chân miệng là dạng bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh chân tay miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là: Viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh. Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và Nguy hiểm hơn khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, run chân tay, co giật… Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.
Bệnh tay chân miệng gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương. Tại các tỉnh phía Nam, bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh chân tay miệng, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.
Dấu hiệu của bệnh chân tay miệng:
Dấu hiệu bệnh chân tay miệng ở trẻ em thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da…
Nổi ban trên da: Đây là dấu hiệu đặc trưng thường gặp khi trẻ bị chân tay miệng. Trong 1-2 ngày khi phát bệnh, trẻ sẽ có những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da bình thường, sau đó trở thành bọng nước. Những ban đỏ này xuất hiện nhiều ở ngón tay, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Những nốt ban có kích thước từ 2-5mm ở giữa có màu xám sẫm và có hình bầu dục. Dấu hiệu nổi ban trên da bé thường không đau, không ngứa và có thể kéo dài tới 10 ngày.
Loét miệng: Khi các ban đỏ xuất hiện quanh miệng sẽ gây loét miệng. Những vết loét thường có đường kính từ 4-8mm và ở trong miệng, trên lưỡi và vòm miệng của trẻ khiến bé gặp khó khăn khi nuốt. Với những dấu hiệu bệnh chân tay miệng này nhiều cha mẹ lầm tưởng bé bị viêm loét miệng thông thường.Tuy nhiên, cha mẹ cần hết sức lưu ý với những biểu hiện này, cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác bệnh.
Cách điều trị bệnh tay chân miệng:
Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chân tay miệng hiệu quả:
Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch tay chân miệng, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành.Các biện pháp phòng ngừa là:
Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng có dịch tay chân miệng.
Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.
Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, chia các bữa ăn cho ra thành nhiều bữa… để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Hằng Thanh (T/h)