Để đảm bảo an toàn, các địa phương ven biển phía bắc dự kiến cấm biển, kể cả tàu vận tải và du lịch trước 10h ngày 16/9.
Dự báo đường đi của siêu bão Mangkhut. |
Chiều ngày 14/9, tại trụ sở Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị trực tuyến ứng phó với siêu bão Mangkhut do Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng - Trưởng ban Nguyễn Xuân Cường chủ trì, tham dự tại đầu cầu Hà Nội là các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, các Bộ ngành liên quan và các đầu cầu tại các tỉnh/TP Bắc Bộ từ Nghệ An trở ra.
Theo thông tin dự báo từ quốc tế và Việt Nam, chiều 14/9 siêu bão Mangkhut chỉ còn cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 200 km về phía đông, sức gió 220 km/h (cấp 17). Bão sẽ duy trì sức mạnh khi đổ bộ vào đảo Luzon vào sớm mai 15/9.
Dự báo trong 24-72 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào Biển Đông vào trưa 15/9.
Khả năng cao bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Phạm vi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp là khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (gồm 27 tỉnh/thành phố) với cường độ rất mạnh (cấp 11-12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Lên kế hoạch cấm biển, cấm cầu
Để ứng phó với cơn bão Mangkhut, Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị, tùy theo tình hình cụ thể, các địa phương cấm biển, kể cả tàu vận tải và du lịch trước 10h ngày 16/9. Việc sơ tán dân ở những khu vực xung yếu hoàn thành trước 17h ngày 16/9. Các tỉnh ven biển xem xét cho học sinh nghỉ học ngày 17/9.
Thiếu tướng Ngô Quý Đức, Cục trưởng Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết để ứng phó siêu bão, Bộ Quốc phòng đã có công điện gửi các quân khu và đơn vị liên quan tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng phó với bão.
"Đến nay các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân dự bị đã được giao nhiệm vụ ứng trực với gần 400.000 quân và gần 3.000 phương tiện, trong đó 44 tàu trên biển và 8 máy bay", tướng Đức nói.
Là một trong những địa phương được dự báo chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, Phó chủ tịch Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu cho biết tỉnh sẽ tổ chức họp với các đơn vị lên kịch bản chi tiết ứng phó. Để đảm bảo an toàn, tỉnh sẽ khuyến cáo hạn chế hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, các tuyến du lịch đảo và chủ nhật ngày 16/9 sẽ cấm biển.
Theo Chủ tịch TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, 5.000 tàu thuyền của tỉnh đã được thông báo và đang hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn. Ngoài kế hoạch cấm biển, Hải Phòng cũng lên phương án cấm người và phương tiện qua một số cầu: Tân Vũ, Lạch Huyện, Bính.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động xây dựng ngay phương án ứng phó, kiểm tra lại lực lượng, vật tư, phương tiện, phương án để bảo đảm ứng phó hiệu quả nhất.
“Đây là cơn bão đặc biệt nguy hiểm, do đó các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các cấp phải chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến để chỉ đạo ứng phó kịp thời. Ban Chỉ đạo trung ương phòng chống lụt bão, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố cứu hộ cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc”, Phó thủ tướng chỉ đạo.
Thu Hằng (T/h)