Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Các đại gia Thái đang toan tính gì ở Việt Nam?

(DS&PL) -

Các đại gia đến từ Thái Lan đang tính toán đến cuộc chơi mới, lớn hơn và dài rộng hơn trên thị trường bán lẻ Việt Nam.

Các đại gia đến từ Thái Lan đang tính toán đến cuộc chơi mới, lớn hơn và dài rộng hơn trên thị trường bán lẻ Việt Nam, trước ngưỡng cửa hàng rào thuế quan giữa hai nước được gỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2015.

Từ viêc xuất hiện với những cửa hàng nhỏ lẻ chuyên bán hàng Thái, đến việc thâu tóm ồ ạt hàng chục chuỗi siêu thị quy mô lớn nhất Việt Nam, các đại gia Thái đang dần lộ rõ toan tính chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt với những bước đi hết sức thông minh.

Chiến lược thâm nhập bài bản

Đã từ lâu, hàng Thái Lan đã có mặt và được biết đến rộng rãi trên thị trường Việt Nam. Mới đầu chỉ là một vài mặt hàng xách tay thông dụng được chuyển về bán, rồi dần dà, những cửa hàng chuyên bán đồ Thái mọc lên ở các con phố trung tâm.

Dần dà, len lỏi vào thị trường vào khắp mọi nơi, từ chợ cóc, chợ truyền thống, rồi chuyên nghiệp hơn là mở các cửa hàng nhỏ, tiện ích, đến các siêu thị mini chuyên bán hàng Thái.

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ở Hà Nội, các cửa hàng chuyên bán hàng tiêu dùng Thái Lan mọc lên dày đặc tại rất nhiều tuyến phố, như: Láng Hạ, Pháo Đài Láng, Tây Sơn…

So với hàng hóa nhập khẩu từ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... thì chất lượng hàng tiêu dùng của Thái Lan tương đối tốt, giá lại rẻ hơn nhiều so với hàng đến từ các nước khác nên những năm qua hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng chiếm trọn niềm tin của người Việt.

Khảo sát của phóng viên BizLIVE tại một cửa hàng chuyên bán đồ Thái vừa được khai trương trên phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân) cho thấy, hàng Thái rất phong phú và đa dạng, từ các mặt hàng gia dụng đến đồ mỹ phẩm, quần áo, giày dép…

Đặc biệt, hàng điện tử, điện lạnh của Thái Lan đang chiếm hơn 70\% thị phần với hàng loạt thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Sharp, Philips, Panasonic, Sanyo...

“Đa số khách hàng đến mua đồ gia dụng và mỹ phẩm là chủ yếu. Những bạn trẻ thì hay vào cửa hàng hỏi mua quần áo nên sắp tới cửa hàng chúng tôi sẽ nhập thêm hàng thời trang về để bán. Ngoài ra, khá nhiều người thích mua các loại quả như: sầu riêng, măng cụt, dưa, xoài... hoặc mua thực phẩm là đồ hộp, nước uống, bánh kẹo…”, chị Giang, chủ cửa hàng Thái Lan nằm trên phố Hoàng Văn Thái cho hay.

So với hàng Việt, hàng Thái có giá cao hơn, khoảng từ 20-30\% song hàng Thái vẫn được rất nhiều người tin tưởng và lựa chọn.

Chính vì vậy, ngày càng có nhiều cửa hàng Thái mọc lên. Như khu vực Ngã Tư Sở thuộc quận Thanh Xuân, chỉ một đoạn phố ngắn Hoàng Văn Thái, Khương Trung hay Lê Trọng Tấn mà mỗi con phố có tới 3-4 cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan.

Trước việc hàng Thái ngày càng lấn lướt hàng Việt, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận, thực ra các doanh nghiệp Thái Lan nắm bắt trúng thị hiếu tiêu dùng của người Việt. Bằng cách tổ chức hội chợ bán hàng Thái Lan tại Việt Nam, rồi họ quảng bá hàng Thái bằng việc bán hàng cho khách du lịch, nhiều nhất là thông qua các cửa hàng bán hàng Thái tại Việt Nam.

Giá thành hàng hóa Thái Lan chỉ nhỉnh hơn hàng Việt một chút nhưng chất lượng khá tốt, mẫu mã lại phong phú và đa dạng nên được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng. Đây là nguyên nhân khiến hàng Thái Lan dễ dàng thâm nhập vào thị trường Việt Nam”, ông Phú cho hay.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tham gia Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan 2014 vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội lại cho rằng, bên cạnh việc bảo đảm chất lượng hàng hóa và nắm bắt trúng nhu cầu của khách hàng thì Chính phủ Thái Lan thường xuyên hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam nhằm giúp họ quảng bá sản phẩm.

Toan tính gì tại Việt Nam?

Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng Việt nên hàng tiêu dùng Thái Lan ngày càng đổ bộ vào thị trường Việt nhiều hơn. Điều này đã khiến các đại gia Thái tính toán đến cuộc chơi mới, lớn hơn và dài rộng hơn đang rất tiềm năng trên thị trường Việt, đó là thâu tóm các chuỗi bán lẻ trong nước nhằm đưa hàng Thái sang Việt Nam ngày một nhiều hơn, nhất là sang năm 2015 khi hàng rào thuế quan giữa hai nước hoàn toàn được gỡ bỏ.

Tập đoàn BJC là một trong những doanh nghiệp thực hiện khá nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Đầu tiên là sự kiện lớn nhất đánh dấu sự thâu tóm của đại gia Thái trên thị trường bán lẻ Việt Nam đó là việc mua lại 19 trung tâm Metro Việt Nam.

Tiếp đến là việc bắt tay với Tập đoàn Mongkol đầu tư 1 tỷ baht cùng thành lập Công ty Thai Corp International Vietnam (TCI) để mở siêu thị tại Việt Nam.

Trước đó, BJC cũng đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s mart từ tay người Nhật Bản với hơn 40 cửa hàng đang hoạt động ở TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, vào đầu năm 2013, BJC đã chi 32 triệu USD để mua lại 65\% cổ phần tại Thái An, một doanh nghiệp bán lẻ ở miền Bắc.

Bên cạnh BJC, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan là Tập đoàn Central Group cũng đã kịp “nhảy” chân vào thị trường bán lẻ Việt với mô hình trung tâm mua sắm hoàn toàn mới vừa được khai trường vào tháng 4 vừa qua tại Hà Nội với mục tiêu sẽ trở thành nhà bán lẻ được ưa chuộng nhất với người tiêu dùng Việt Nam.

Toan tính của Central sẽ mở rộng mô hình này hơn nữa tại Việt Nam, trước mắt, vào tháng 11 này Central tiếp tục khai trương thêm trung tâm tại TP.Hồ Chí Minh.

Như vậy, tính đến thời điểm này, trong số các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh bán lẻ ở Việt Nam thì có thể nói thị phần bán lẻ tại Việt Nam đang nghiêng về tay các doanh nghiệp Thái Lan.

Có thể nói, ngay từ ngày đầu, doanh nghiệp bán lẻ Thái đã có kế hoạch nhằm thôn tính thị trường bán lẻ Việt Nam.

"Rõ ràng, sự xâm nhập của các doanh nghiệp bán lẻ đến từ Thái Lan là có chiến lược, và rất bài bản, từ việc mở kinh doanh chuỗi cung ứng thực phẩm, rồi thâu tóm hàng chục cửa hàng tiện ích đến việc thành lập và mua đứt một loạt hệ thống siêu lớn ở Việt Nam", ông Phú bình luận.

Trao đổi bên lề cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến từ Thái Lan cho biết, cùng với các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ Thái Lan thì điều quan trọng là Việt Nam có môi trường đầu tư an toàn đã tạo niềm tin cho các doanh nghiệp Thái Lan khi chuyển hướng đến làm ăn tại Việt Nam.

Bắt đầu từ năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành, khi đó, hàng rào thuế quan của nhiều mặt hàng sẽ được gõ bỏ.

Với sức mua của 90 triệu dân, Việt Nam đang là thị trường tuyệt vời và hứa hẹn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ, nhất là sự ưa chuộng hàng Thái với người Việt khá lớn nên đây chính là cơ hội hiếm có, là “miếng bánh ngon” cực kỳ hấp dẫn với các đại gia Thái Lan trong tham vọng lấn sân thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Tin nổi bật