Qua nghiên cứu, tìm hiểu về công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế được đăng tải công khai trên mạng đấu thầu Quốc gia, phóng viên được biết vào ngày 7/6/2021, Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa Lê Văn Sỹ ký Quyết định số 834/2021/QĐ-BVĐKT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 3: Cung cấp, lắp đặt thiết bị y tế.
Đơn vị trúng thầu là công ty Cổ phần Thiết bị vật tư Y tế Thanh Hóa (Số ĐKKD: 2800588271; địa chỉ: 109 Nguyễn Trãi, phường Ba Đình, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá). Gói thầu có giá dự toán 37.880.000.000 đồng (Bằng chữ: Ba bươi bảy tỷ, tám trăm tám mươi triệu đồng), giá trúng thầu là 36.980.000.000 đồng (Bằng chữ: Ba mươi sáu tỷ, chín trăm tám mươi triệu đồng), tiền tiết kiệm sau đấu thầu là 900.000.000 đồng. Thiết bị trúng thầu là hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla (Prodiva 1.5T CX) của hãng Philips, Hà Lan.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa phê duyệt cho công ty Cổ phần Thiết bị vật tư Y tế Thanh Hóa cung cấp hệ thống Prodiva 1.5T trị giá 36,98 tỷ đồng.
Khoảng 6 tháng sau, ngày 28/12/2021, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Thiết bị X quang, siêu âm. Trong đó hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5T Prodiva 1.5 CX của hãng Philips, Hà Lan được mua với giá 28.500.000.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi tám tỷ, năm trăm triệu đồng). So sánh về giá cả và xuất xứ của hàng hóa giữa hai bệnh viện công lập, giá mua sắm cùng một hệ thống chênh nhau đến 8,48 tỷ đồng.
Hệ thống chụp cộng hưởng từ Prodiva 1.5T CX được bệnh viện Nhi đồng 1 mua với giá 28.500.000.000 đồng.
Về xuất xứ hàng hóa và nhãn mác của sản phẩm, hệ thống chụp cộng hưởng từ giữa hai bệnh viện không có gì khác biệt. Vậy lý do nào mà giá cả chênh lệch nhau lớn đến vậy?
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Sỹ - Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, sự khác biệt giá cả nằm ở hệ thống phần mềm và thời gian bảo trì, bảo hành. Hệ thống máy của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa được bảo trì và bảo hành trong vòng 2 năm.
Theo yêu cầu kỹ thuật, hệ thống phần mềm yêu cầu trang bị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa bao gồm 25 gói phần mềm.
Ảnh chụp một phần thông tin về gói phần mềm của hệ thống chụp cộng hưởng từ trang bị cho bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Gói phần mềm được trang bị cho hệ thống chụp cộng hưởng từ của bệnh viện Nhi đồng 1 – TP.HCM được cho là khá đầy đủ lên tới 23 phần mềm và thêm 11 phần mềm chuyên dụng trên trạm làm việc.
Ông Lê Văn Sỹ cho hay, thời điểm bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa mua sắm hệ thống chụp cộng hưởng từ chưa có Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế. Nghị định này quy định việc quản lý trang thiết bị y tế bao gồm: Phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, nghiên cứu lâm sàng, lưu hành, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, quảng cáo trang thiết bị y tế; quản lý giá trang thiết bị. Ông Sỹ cũng nói thêm: “Là người đi mua, tôi không biết về giá đầu vào và giá khai báo hải quan, nhưng mua được một thiết bị với tính năng và cấu hình như thế là phù hợp”.
Để tham khảo thêm về hệ thống chụp cộng hưởng từ, phóng viên đã liên hệ tới ông Nguyễn K.V. – một kỹ sư lâu năm thực hiện các công trình lắp đặt thiết bị y tế. Ông V. đánh giá: “Hệ thống tại bệnh viện Nhi đồng 1 có chức năng, phần mềm thực hiện cả hai kỹ thuật MRI (chụp cộng hưởng từ) và CT (chụp cắt lớp) còn hệ thống tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thì chủ yếu tập trung vào kỹ thuật MRI. Hiện nay, các hãng thiết bị y tế khi bán máy thường trang bị các phần mềm cơ bản, tùy thuộc nhu cầu của chủ đầu tư sẽ mua sắm thêm các gói phần mềm chuyên dụng. Tuy nhiên, cần phải làm rõ việc phần mềm có giá trị bao nhiêu tiền? Chênh lệch giữa hai thiết bị tới hơn 8,4 tỷ đồng riêng cho phần mềm và chế độ bảo hành cũng cần phải xem xét lại”.
Cần lưu ý rằng, giá thiết bị y tế cao hay thấp đôi khi còn phụ thuộc và ảnh hưởng bởi các yếu tố: tính năng, công suất, linh phụ kiện theo kèm, chế độ bảo hành, bảo trì, đào đạo, vận chuyển, truyền thông...
Thế nhưng, với hệ thống chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla đã nói ở trên, không có sự khác biệt về phần cứng, chỉ với phần mềm – là một thứ rất khó để “đo đếm” đã khiến giá mua sắm giữa các bệnh viện công chênh lệch hơn 8,4 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Câu trả lời có lẽ rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn ngành y tế tại địa phương cũng như bộ Y tế, để nguồn vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế được sử dụng thực sự hiệu quả!.
Duy Trung – Ngọc Bảo