Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng (sau đây gọi tắt là BQL Phát triển đô thị Hải Phòng – PV) là tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc UBND thành phố Hải Phòng. Đơn vị được sáp nhập từ sự hợp nhất của ban Quản lý dự án xây dựng công trình cơ sở 2 bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp trực thuộc sở Y tế, ban Quản lý dự án Cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trực thuộc UBND thành phố vào ban Quản lý Công trình xây dựng phát triển đô thị.
Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương, đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội những năm qua. Nguồn ảnh: Internet.
BQL Phát triển đô thị Hải Phòng có mã số thuế 0202124689, do ông Tạ Viết Đông – chức vụ Giám đốc làm đại diện pháp luật, được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 21/09/2021. Địa chỉ trụ sở: số 03 Hồ Xuân Hương, phường Minh Khai, quận Hồng Bàng, Hải Phòng.
Hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia ghi nhận bên mời thầu BQL Phát triển đô thị Hải Phòng đăng tải 112 kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó, đã công bố kết quả của 112 gói, hủy thầu 0 gói.
Với đặc thù phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng, đơn vị này cũng là chủ đầu tư phê duyệt hàng chục gói thầu giá trị “khủng”, có gói lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu ngẫu nhiên của PV ở 18 gói thầu từ đầu năm 2023 đến nay, đại diện BQL là Phó Giám đốc Trần Ngọc Trung đã phê duyệt nhiều dự án thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị, với điểm chung là giá trị lớn nhưng tỉ lệ tiết kiệm cho ngân sách thấp.
Ông Trần Ngọc Trung là lãnh đạo đã ký phê duyệt nhiều gói thầu do BQL Phát triển đô thị Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Trừ gói thầu số 5: Xây dựng vỉa hè và lan can hồ phê duyệt ngày 1/4 là dùng ngân sách Nhà nước, 17 gói còn lại đều sử dụng ngân sách thành phố. Ở gói số 5 này, giá trúng thầu bằng 16.524.123.000 đồng nhưng tiết kiệm chỉ 32.034.000 đồng, tỉ lệ đạt 0,19%.
Trong 18 gói thầu được nghiên cứu thì có 14 gói thầu cùng kịch bản nhà thầu “một mình một ngựa” dự thầu rồi trúng thầu, không có đối thủ cạnh tranh. Ví dụ như các nhà thầu độc lập: công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Thành Vinh; công ty Cổ phần mặt dựng CAG ; công ty Cổ phần Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Coninco; hay nhà thầu liên danh: Thanh Niên - Thăng Long; Sin Việt - Hải Phòng - Thăng Long - Đông Dương.
Bảng thống kê do PV nghiên cứu và lập.
Quá trình thực tế ở nhiều đơn vị sở, ngành, địa phương trên cả nước, khi trao đổi với bên mời thầu, PV nhận được một số chia sẻ rằng, việc gói thầu chỉ thu hút 1 nhà đầu tư là hết sức bình thường bởi mỗi nhà thầu có lựa chọn phân khúc riêng phù hợp với năng lực tài chính cũng như chuyên môn của họ. Thế nên, có những phân khúc không nhận được sự quan tâm của nhiều nhà thầu, nhất là đặc thù các gói thuộc lĩnh vực xây lắp với quy mô lớn.
Nhưng ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển – trường đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng, để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác đấu thầu và cuộc thầu có tính cạnh tranh thì ít nhất phải có từ 2 nhà thầu tham gia dự thầu. Về lý thuyết thì cạnh tranh trong đấu thầu chỉ được đảm bảo khi có nhiều bên dự thầu, các bên dự thầu độc lập với nhau và với bên mời thầu, không có bất cứ thỏa thuận nào giữa người mời thầu với một, một số người dự thầu, hoặc giữa những người dự thầu với nhau.
Trở lại công tác đấu thầu ở BQL Phát triển đô thị Hải Phòng, tổng giá trị trúng thầu của 18 gói thầu là 4.291.950.391.000 đồng (hơn 4,2 nghìn tỷ đồng) thì tiền tiết kiệm sau đấu thầu chỉ 27.831.813.000 đồng, đạt tỉ lệ 0,64%.
Mặc dù không có quy định về tỉ lệ tiết kiệm bao nhiêu là đúng, đủ nhưng theo các chuyên gia lĩnh vực đấu thầu đánh giá thì tỉ lệ này càng thấp sẽ càng tiết kiệm được cho ngân sách. Đây cũng là một phần thước đo đánh giá cho trách nhiệm tiết giảm, sử dụng ngân sách hiệu quả của các chủ đầu tư.
Nhìn vào bảng thống kê thì có thể nhận thấy, gói thầu số 29 - Xây dựng công trình trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố được phê duyệt ngày 6/4 có giá 1.311.205.676.000 đồng, tiền tiết kiệm cho ngân sách 4,2 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 0,32%.
Gói thầu số 26, 27, 28, 29 và 32 được phê duyệt cùng trong tháng Một có giá trị hàng trăm tỷ đồng, nhưng tiết kiệm chỉ từ 0,2 đến 1%. Cụ thể, gói 26 xây dựng công trình phía Đông 565.166.668.000 đồng, tiết kiệm 2,8 tỷ đồng; gói 27 Xây dựng các công trình phía Tây 553.095.754.000 tỷ đồng tiết kiệm 1,7 tỷ đồng; gói 32 Sản xuất, lắp đặt giá 425.906.656.000 đồng, tiết kiệm 2,7 tỷ đồng; gói 28 xây dựng lắp đặt 232.997.823.000 đồng, tiết kiệm hơn 615 triệu đồng; gói 29 xây dựng, lắp đặt hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy có giá trúng thầu 163.334.478.000 tỷ đồng, tiết kiệm 1,67 tỷ đồng.
Có gói thầu tỉ lệ tiết kiệm ở mức tượng trưng 0,05% là gói thầu số 13 - Cung cấp và lắp đặt thiết bị nhà điều trị bệnh nhân 7 tầng về tay nhà thầu liên danh Sin Việt - Hải Phòng - Thăng Long - Đông Dương.
Liên quan đến thực trạng đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm “siêu thấp”, luật sư Dương Văn Phúc (công ty Luật TNHH MTV FDVN) nêu ý kiến: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp rất có khả năng tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Tất nhiên, để đi đến kết luận thì cần có kiểm tra, rà soát của các cơ quan chức năng chuyên môn. Còn thực tế, việc đấu thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp có thể sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách”.
Được biết, BQL Phát triển đô thị Hải Phòng là một trong số các đơn vị nằm trong Kế hoạch kiểm tra công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn giai đoạn 2022 – 2023 của UBND thành phố Hải Phòng được ban hành hồi tháng Ba.
Theo Kế hoạch, các dự án trong diện được kiểm tra nằm trong quyết định triển khai năm 2022. Việc kiểm tra hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công các dự án sử dụng vốn đầu tư công nhằm nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh, tiết kiệm ngân sách thông qua đấu thầu qua mạng cũng như kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu.
Nhật Hạ