Đại gia Nguyễn Cao Trí. Ảnh: Capella Holdings
Trước khi V.League 2020 khởi tranh, Sài Gòn FC lại thêm một lần nữa có sự xáo trộn ở thượng tầng. Đây là diễn biến không xa lạ với đội bóng Sài thành khi mà trước đó nhiều lần thay chủ tịch.
Chủ tịch đầu tiên là ông Nguyễn Giang Đông, một trong 5 cổ đông chính của đội bóng những ngày mới vào Sài Gòn.
Cụ thể, Công ty CP Phát triển bóng đá Sài Gòn – đơn vị vận hành Sài Gòn FC được thành lập vào cuối năm 2013 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm Công ty TNHH Minh Giang (20%), CTCP Đầu tư và Tư vấn Tài chính Quốc tế (20%), Đỗ Ngọc Khanh (15%), Nguyễn Giang Đông (30%) và Lương Thị Yến (15%).
Ba năm sau đó (ngày 3/3/2016), 2 pháp nhân trên đã thoái vốn khỏi Sài Gòn, trong khi tỷ lệ sở hữu của các cá nhân vẫn được giữ nguyên.
Năm 2018, Sài Gòn FC thay đổi chủ tịch. Ông Giang Đông rút về nghỉ do sức khỏe không cho phép, ông Trần Tiến Đại được chỉ định thay thế.
Những người đầu tư cho CLB Sài Gòn hy vọng với uy tín, tiếng nói trong giới cầu thủ, ông Đại sẽ tạo nên chất riêng cho đội bóng, thoát khỏi tầm ảnh hưởng của CLB Hà Nội.
Tuy nhiên, chỉ sau 6 tháng, với lý do bệnh nặng, ông Trần Tiến Đại tiếp tục được thay thế bằng nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Dương Nghiệp Khôi.
Kể từ khi phát triển dưới cái tên Sài Gòn FC, đội bóng liên tục có những biến động lớn ở thượng tầng. Nhìn qua lịch sử hình thành của Sài Gòn FC, so với các đội bóng có mối quan hệ với bầu Hiển khác như SHB Đà Nẵng, có thể thấy sự “truân chuyên” của đội bóng này.
Cuối cùng, số phận của Sài Gòn FC cũng được dứt điểm trước khi V.League 2020 khởi tranh. Đội bóng "về tay" hai tập đoàn lớn ở Sài thành là Him Lam Group và Bến Thành Group. Tân chủ tịch HĐQT của Sài Gòn FC sẽ là ông Nguyễn Cao Trí, một đại gia có tiếng tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Capella Holdings sẽ giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Bóng đá Sài Gòn; ông Hồ Quốc Minh làm Tổng Giám đốc. Trong khi đó, ông Vũ Tiến Thành thay ông Dương Nghiệp Khôi làm Chủ tịch CLB.
Ông Trí sinh năm 1970, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các công ty con của Bến Thành Groups. Vị đại gia này từng là Giám đốc Đầu tư tại Công ty Bến Thành Tourist (từ năm 1999 - 2005) và Tổng Giám đốc tại Công ty Bến Thành Land (từ năm 2006 - 2014).
Sau khi Bến Thành Group thoái vốn, Bến Thành Land tiến hành đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Capella (Capella Holdings) và bắt đầu chuyển trọng tâm kinh doanh sang lĩnh vực ẩm thực - giải trí (F&B Hospitality) dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Cao Trí trong vai trò Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Capella Holdings còn được biết đến là pháp nhân này đứng đằng sau thương vụ Công ty TNHH Chloe Hospitality "thâu tóm" 2 toà lâu đài của Khaisilk, gồm: Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Charm Charm (toạ lạc tại số 2 – 6 Phan Văn Chương, quận 7, TP.HCM).
Theo tìm hiểu, Capella Holdings hiện đang sở hữu loạt thương hiệu nổi tiếng như Chill Sky Bar, Air 360 Sky Bar, Trung tâm Hội nghị Tiệc cưới Riverside Palace Corp, Claris Palace, Capella Park View, Capella Gallery Hall; hệ thống nhà hàng San Fu Lou (Hoa), Sorae (Nhật), Dì Mai (Việt).
Trong đó, Chill Sky Bar (tòa nhà AB, Quận 1, TP.HCM) và Air 360 Sky Lounge (Bến Thành Tower, quận 1, TP.HCM) đều là những điểm vui chơi có tiếng.
Mặc dù là "ông lớn" đứng sau những doanh nghiệp đình đám nhưng doanh thu của Capella Holdings lại khá "khiêm tốn".
Theo báo cáo kinh doanh hợp nhất năm 2017 của Capella Holdings, doanh thu của Capella Holdings đạt xấp xỉ 1.100 tỷ đồng, tăng trưởng 142% so với năm 2016 nhưng chỉ mới hoàn thành 55% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này chỉ còn vỏn vẹn 55 tỷ đồng, vượt 8% so với kế hoạch và cao hơn 26% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings 34 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch.
Trong hai năm 2018 và 2019, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Capella Holdings có sự sụt giảm rõ rệt.
Năm 2018, Capella Holdings ghi nhận doanh thu đạt 71 tỷ đồng, giảm tới 81,6% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 14,6 tỷ đồng.
Sang đến năm 2019, doanh thu của Capella Holdings có sự cải thiện, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 400 triệu đồng.
Mức lợi nhuận kể trên có thể nói là không đáng kể nếu so với quy mô tài sản, nguồn vốn của Capella Holdings.
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Capella Holdings đạt 1.166 tỷ đồng, giảm khoảng 4 tỷ đồng so với năm trước; vốn chủ sở hữu tăng nhẹ lên 408 tỷ đồng.
Trong một diễn biến liên quan, đầu năm 2021, Đại học Văn Lang thuộc hệ sinh thái Capella Holdings đã nhận tiếp quản Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF từ Vingroup.
Chủ tịch Sài Gòn FC Vũ Tiến Thành từng chia sẻ về "ông bầu" mới của đội: "CLB Bóng đá Sài Gòn thuộc CTCP Phát triển Bóng đá Sài Gòn. Ông bầu mới của đội rất đam mê bóng đá, bỏ tiền ra cho bóng đá".
Với độ chịu chơi của ông chủ mới, Sài Gòn FC được kỳ vọng sẽ có một cuộc lột xác trong tương lai, thực sự trở thành một biểu tượng bóng đá mới của TP.HCM.
Bạch Hiền (t/h)