Chiều ngày 19/6, Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo các ca tử vong thứ 63 và 64 có liên quan đến COVID-19 là người cao tuổi, có bệnh lý nền nặng, theo Sức Khỏe Đời Sống.
Ca tử vong thứ 63: BN12151, nữ, 90 tuổi, có địa chỉ tại huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Ngày 12/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và được điều trị tại cơ sở thu dung bệnh nhân COVID-19 đặt tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Fuji Bắc Giang.
Ngày 14/6, bệnh nhân ho có đờm, tức ngực, khó thở nhẹ, người mệt mỏi, được hội chẩn và chuyển đến Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.
Ngày 16/6, bệnh nhân mệt mỏi, sốt 39 độ C, thở oxy dòng cao, xuất hiện phù căng cứng cẳng tay trái, xuất huyết dưới da thành mảng, được đặt catheter tĩnh mạch trung tâm bù dịch, dùng thêm kháng sinh Linezolid, Meropenem.
Ngày 17/6, bệnh nhân mê sâu, thở gắng sức, được đặt nội khí quản thở máy hỗ trợ, đặt catheter động mạch theo dõi huyết động, lọc máu liên tục, dùng vận mạch noradrenalin, giãn cơ, an thần, bù dịch, albumin, nhưng tình trạng bệnh quá nặng, sốc không hồi phục. Bệnh nhân không đáp ứng điều trị và tử vong lúc 3h44 phút ngày 18/6.
Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan trên nền bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type II, hoại tử cẳng tay trái, lão suy.
Ảnh minh họa. Nguồn: Sức Khỏe Đời Sống.
Ca tử vong thứ 64: BN3866, nam, 67 tuổi, địa chỉ tại Hà Trung, Thanh Hóa, tiền sử ung thư phế quản, di căn xương và màng phổi, di căn dưới nhện.
Bệnh nhân điều trị ung thư phổi tại khoa Nội 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, ngày 15/5 kết quả xét nghiệm dương tính và được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được điều trị và theo dõi tích cực, sử dụng thuốc chống viêm, điều chỉnh rối loạn đông máu và kháng sinh phổ rộng điều trị bội nhiễm.
Tuy nhiên, bệnh nhân đáp ứng điều trị kém, tình trạng suy hô hấp tiến triển tăng, phải tiến hành can thiệp đặt ống nội khí quản, thở máy ngày 31/5. Bệnh nhân tuy được hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện, nhưng tình trạng tổn thương phổi không cải thiện, nhiễm trùng tiến triển nặng dần, rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn.
Bệnh nhân tiên lượng nguy cơ tử vong cao, được hội chẩn bệnh viện và trao đổi với người nhà tình trạng bệnh, gia đình xin chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh nhân tử vong ngày 19/6 với chẩn đoán viêm phổi do nCoV, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm candida xâm lấn, trên bệnh nhân ung thư phế quản trái giai đoạn 4, di căn màng phổi và xương.
Như vậy đến nay Việt Nam đã ghi nhận 64 trường hợp tử vong, trong đó riêng từ ngày 27/4 đến nay có thêm 29 trường hợp. Đa phần các trường hợp tử vong là các ca bệnh tuổi cao, có bệnh lý nền lâu năm như ung thư, ung thư di căn, cong vẹo cột sống, thận nhân tạo, viêm gan..
Bích Thảo (T/h)