PV: Thưa Thứ trưởng, Bộ Y tế đã có chỉ đạo gì về giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương mua sắm sinh phẩm xét nghiệm theo đúng quy định hiện hành và xử lý vi phạm nghiêm các hành vi lợi dụng đấu thầu, mua sắm để tham nhũng, hưởng lợi.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Đối với quản lý giá các loại sinh phẩm xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị công khai giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế. Tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó 35 test xét nghiệm Real-time PCR, 39 test xét nghiệm kháng nguyên (33 test nhanh và 06 test chạy cùng máy xét nghiệm), 23 test xét nghiệm kháng thể (4 test nhanh và 19 test chạy máy).
PV: Vậy việc tính giá xét nghiệm như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Đối với xét nghiệm trong các cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu việc tính giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên căn cứ vào thực thanh thực chi, cụ thể giá được tính toán dựa vào giá kit test, chi phí vật tư tiêu hao liên quan. Việc thanh toán theo kết quả đấu thầu mua sắm được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Đồng thời, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về mức giá của gộp mẫu để giảm chi phí xét nghiệm, đặc biệt là cho các doanh nghiệp.
PV: Theo ông, thời gian tới, việc quản lý giá xét nghiệm nhanh kháng nguyên như thế nào?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị định về quản lý trang thiết bị y tế (bao gồm test xét nghiệm) trong đó yêu cầu các đơn vị phải kê khai giá để công khai, minh bạch trong mua sắm đấu thầu.
Đồng thời, Bộ Y tế đang tổng hợp ý kiến để đề nghị đưa test xét nghiệm Covid-19 vào mặt hàng bình ổn giá bởi vì hiện nay mặt hàng này chưa được quy định trong luật.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị cung cấp các sinh phẩm xét nghiệp hàng tuần cập nhật công khai giá lên Cổng công khai giá dịch vụ y tế để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký để tạo cạnh tranh giá.
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc đấu thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm cũng như kiểm tra, thanh tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ xét nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
PV: Vừa qua Bộ Y tế đã mua sắm test kháng nguyên nhanh hay chưa thưa ông?
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Cho đến nay Bộ Y tế chưa thực hiện việc mua sắm test kháng nguyên nhanh. PV: Vậy, test kháng nguyên nhanh sử dụng trong thời gian qua là như thế nào? Thứ trưởng Trần Văn Thuấn: Thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên các đơn vị, địa phương thực hiện việc mua sắm đấu thầu theo quy định. Tuy nhiên, theo tôi được biết các đơn vị chủ yếu sử dụng test do các đơn vị tài trợ như Tp. Hồ Chí Minh vừa rồi được tài trợ 10 triệu test. Ngay như Bộ Y tế cũng được các tổ chức quốc tế và các đơn vị tài trợ hơn 10 triệu test để phân bổ cho các địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Test nhanh Covid-19 mua tại nước ngoài giá chỉ 1,5 USD? Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương hôm 26/9, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cho biết trong công tác phòng chống dịch, ngoài công sức còn tốn kém rất nhiều chi phí, trong đó có chi phí xét nghiệm nhanh. Vì vậy, ông Hồng Anh đề xuất, cũng giống như vắc-xin, Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ test xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn đến 100 triệu bộ với chi phí gốc. “Theo tôi được biết giá mua tại nước ngoài về chỉ khoảng 1,5 USD/test (khoảng 35.000 đồng - PV). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng”, ông Hồng Anh nói. Cũng theo ông Hồng Anh, hiện nay các các tỉnh thành đang đấu thầu giá 60.000 - 70.000 đồng/bộ thì dẫn đến rất lãng phí tiền của và đề nghị Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc này. |
Thanh Lam
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật Thứ 5 (số 157)