Theo Bộ Tư pháp, việc hạn chế dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là bất hợp lý, không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe hợp đồng phục vụ cho việc đi làm, đi học…
Bộ Tư pháp vừa có văn bản góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.
Bộ Tư pháp lên tiếng về dịch vụ đi chung xe. Ảnh: báo VnExpress |
Theo đó, bộ này đề nghị Bộ GTVT bỏ quy định “đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng” (theo khoản 1 điều 7 và khoản 2, điều 8 của dự thảo), vì cho rằng quy định này không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí.
Văn bản góp ý dự thảo cũng nêu rõ, Luật Giao thông đường bộ không có bất kỳ quy định nào hạn chế và cấm dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng, nên việc ra quy định của bộ GTVT sẽ làm hạn chế hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng đồng thời không phù hợp cho nhu cầu sử dụng xe đưa đón thường xuyên.
Do vậy, mọi quy định hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng về số lượng hợp đồng, nội dung hợp đồng khi chưa được luật cho phép chỉ nhằm phục vụ công tác quản lý có thể bị coi là không hợp hiến, hợp pháp.
Tháng 6/2017, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam không thực hiện dịch vụ đi chung xe với xe hợp đồng vì không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Trước đó, hãng Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 chuyến xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến. Sau một thời gian áp dụng thì dịch vụ này bị các hãng taxi truyền thống phản đối và gây tranh cãi về tính pháp lý.
Kiều Trang (T/h)