Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bộ trưởng Xây dựng: Vẫn có người cố tình không trả nhà công vụ

(DS&PL) -

(ĐSPL) - "Thực tế có tình trạng người hết thời hạn công tác, có nhà ở mới rồi nhưng vẫn cố tình không trả lại nhà công vụ", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết.

(ĐSPL) - "Thực tế có tình trạng người hết thời hạn công tác, có nhà ở mới rồi nhưng vẫn cố tình không trả lại nhà công vụ", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Ngày 7/12, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Hiện nay số lượng nhà công vụ rất lớn. Chính vì vậy, chính sách nhà ở công vụ rất đúng đắn, đảm bảo cho những cán bộ, công chức, viên chức trong đó có những đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước được điều động công tác nhưng không có điều kiện, khả năng mua nhà có chỗ ở. Tuy nhiên, rõ ràng, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số trường hợp chưa đảm bảo đúng mục đích theo quy định về loại nhà ở này.

Năm 2013, Bộ Xây dựng đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 34/NĐ-CP quản lý nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước. Nghị định nêu rất rõ rằng, các chủ nhà không còn công tác nữa, nhưng vẫn không giao nhà thì Bộ Xây dựng sẽ làm công văn yêu cầu họ phải trả lại nhà công vụ. Thực tế có tình trạng người hết thời hạn công tác, có nhà ở mới rồi nhưng vẫn cố tình không trả lại nhà công vụ".

Ông Trịnh Đình Dũng.

Khi PV hỏi về việc có những trường hợp chây ỳ trong việc trả nhà công vụ, điển hình như căn biệt thự ở số 12 Nguyễn Chế Nghĩa, Bộ trưởng Dũng khẳng định: "Bây giờ chúng ta chưa thể nói cụ thể là chiếm đoạt hay không, mà trước hết phải nói về vấn đề ý thức để họ phải trả lại nhà. Nhà nước có thể đứng ra thu lại nhưng Nhà nước chưa làm công việc đó. Chính vì vậy, cũng chưa thể nói họ có hành vi chiếm đoạt".

Ông Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng): Đề nghị cưỡng chế những người không chịu trả

Ông Trần Ngọc Vinh. 

Người không đúng đối tượng thì kiên quyết không phân, giao nhà công vụ. Người thuộc diện được ở nhà công vụ nhưng khi không còn làm nhiệm vụ nữa phải trả lại nhà, nếu không trả phải tổ chức cưỡng chế. Việc Bộ Xây dựng công bố tình trạng sử dụng nhà công vụ vừa rồi rất tốt, tôi nghĩ nó sẽ đánh động đến các đối tượng không còn chế độ sử dụng nhà công vụ nữa nhưng vẫn chưa chịu trả nhà. Nhưng tôi xin lưu ý đó chỉ là số lượng rất ít nhà công vụ do Bộ Xây dựng quản lý. Hiện nay còn rất nhiều nhà công vụ của cơ quan trung ương, bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ...

Việc quản lý lỏng lẻo đã làm nảy sinh tình trạng tham nhũng nhà công vụ như nhiều Đại biểu Quốc hội đề cập. Một số nhà công vụ đã bị hóa giá, cán bộ, lãnh đạo đến ở nhà công vụ ấy rồi xin mua luôn với giá "bèo", có trường hợp hưởng chênh lệch hàng chục tỉ đồng, gây bức xúc và bất bình trong dư luận cũng như trong đội ngũ cán bộ, công chức. Vì vậy, sau Bộ Xây dựng, tất cả cơ quan khác cần rà soát và công khai, minh bạch tình trạng sử dụng nhà công vụ hiện nay để nhân dân được rõ. Tôi cũng cho rằng tới đây thống nhất một đầu mối quản lý nhà công vụ sẽ rất tốt.

Luật sư Lâm Văn Quang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Đừng biến nhà công vụ thành một... món nợ xấu

Lý do thì có rất nhiều, tuy nhiên chiếu theo Thông tư số 01/2014/TT-BXD của Bộ Xây dựng ban hành ngày 16/1/2014, có hiệu lực từ ngày 6/3/2014, một trong những điều kiện để thu hồi lại nhà công vụ là: Người thuê nhà nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê nhà ở công vụ.

Thông tư nói trên cũng nói rất rõ về quy trình thu hồi nhà công vụ rằng: Trên cơ sở Tờ trình đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở công vụ, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ xem xét, nếu đủ điều kiện thu hồi thì ban hành Quyết định thu hồi nhà ở công vụ. Việc thu hồi này phải hoàn tất không quá 90 ngày từ ngày Quyết định thu hồi được ban hành. Trong trường hợp không thể thu hồi thì phải cưỡng chế, và việc cưỡng chế cũng không quá 60 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.

Như thế có thể thấy, công cụ pháp lý đã có. Nhưng tình trạng chây ỳ trong việc giao trả nhà công vụ vẫn tồn tại như một... "nợ xấu". Lý do từ phía những người đang sử dụng nhà công vụ thì đã rõ, nhưng trách nhiệm và tính quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà công vụ cũng cần phải được đặt ra như một nguyên nhân chủ yếu. Các cơ quan quản lý nhà công vụ còn nể nang những quan chức về hưu, hay những quan chức về hưu lợi dụng sự nể nang này để từ từ biến nhà công vụ thành nhà tư? Hay tính tuân thủ pháp luật của các cơ quan quản lý và mọi người còn chưa được nâng cao? Đó cũng là những nguyên nhân xã hội cần phải được làm rõ.

Tin nổi bật