Trong phiên thảo luận hội trường của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2023, kế hoạch năm 2023 diễn ra sáng 28/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia giải trình về vấn đề cung ứng xăng dầu mà các đại biểu quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Báo Tin Tức
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ ở hệ thống phân phối, thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam là điều "rất đáng tiếc và bất thường''.
Đặc biệt tại thời điểm đầu tháng 10/2022, cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu, kể cả dự trữ thương mại, sản xuất của các nhà máy trong nước và nhập khẩu trong kỳ của 34 doanh nghiệp đầu mối, đủ nguồn cung cho đến gần hết tháng 11/2022. Chưa kể các nhà máy sản xuất tiếp, các doanh nghiệp nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.
Ngoài nguyên nhân khách quan của thế giới như đứt gãy nguồn cung, khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, giá dao động trong biên độ lớn, tỷ giá ngoại tệ thay đổi hàng giờ, tư lệnh ngành Công Thương lý giải; các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước rất khó tiếp cận với vốn và bảo lãnh tín dụng của ngân hàng, room tín dụng đã hẹp, điều kiện vay thanh khoản khó khăn, tỷ giá ngoại tệ để nhập khẩu hàng thì thay đổi liên tục, biên độ giá dao động lớn vì thế rủi ro rất cao cho các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh khan hàng, nhiều chi phí phát sinh nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chưa được phản ánh trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu nên doanh nghiệp càng làm càng lỗ, và trong cơ chế thị trường thì không gì ngoài quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận quyết định được hành động của doanh nghiệp.
Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân khác như: thiên tai, bão lũ làm chậm các chuyến tàu, chuyến xe chở xăng dầu về cung ứng cho các đơn vị bán lẻ, hay nạn buôn lậu, làm giả xăng dầu với số lượng lớn cũng ảnh hưởng tới phân phối, kinh doanh xăng dầu trên một số địa bàn thời gian qua.
Để kịp thời khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho cấp có thẩm quyền phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại của mình để kịp thời chi viện cho những địa bàn cần ứng cứu.
Tiếp tục động viên, phân giao chỉ tiêu bổ sung cho các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp đầu mối để tăng sản lượng sản xuất và nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung ra thị trường trong mọi tình huống.
Phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ quan và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát của toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả phải rút giấy phép vĩnh viễn đối với các doanh nghiệp kinh doanh khi vi phạm nhiều lần, bảo đảm lưu thông thông suốt, duy trì hệ thống một cách hợp lý.
Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về tiếp cận nguồn vốn bảo lãnh tín dụng. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp xăng dầu có thể tồn tại, phát huy vai trò quan trọng của mình trong cung ứng cho xã hội mặt hàng đặc biệt này.
Để doanh nghiệp xăng dầu không lỗ và có lỗ thì cũng trong khả năng chịu được ở thời điểm thị trường xăng dầu có nhiều biến động, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ và cùng các cơ quan chức năng tiếp tục sử dụng công cụ thuế, phí, quỹ xăng dầu và chính sách an sinh khi cần thiết để điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới, đáp ứng mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định an sinh xã hội.
Khẩn trương rà soát, cập nhật, phản ánh định mức chi phí, tạo nguồn, chi phí phát sinh thực tế vào công thức tính giá cơ sở để các hoạt động tạo nguồn, cung ứng, phân phối xăng dầu diễn ra một cách thuận lợi và lành mạnh.
Bạch Hiền (t/h)