Tại cuộc họp với Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và 31 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu do Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì nhằm đánh giá thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 9 tháng đầu năm 2022 và phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu quý IV/2022, ông Trần Duy Đông- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chỉ rõ, một số thương nhân không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao.
Bộ Công Thương "điểm tên" loạt doanh nghiệp không chịu nhập đủ xăng dầu. Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp đầu mối không thực hiện tổng nguồn tối thiểu được giao gồm: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Hưng Phát; Tổng công ty thương mại Sài Gòn - TNHH một thành viên; Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm (mặt hàng diesel); Công ty TNHH xăng dầu Giang Nam; Công ty TNHH Trung Linh Phát (mặt hàng xăng); Công ty cổ phần Phúc Lộc Ninh.
Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý IV/2022, Bộ Công Thương dự kiến phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu (bao gồm nhập khẩu, mua từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tự sản xuất, pha chế) cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, lượng xăng là hơn 2,2 triệu m3, bình quân hơn 749.000 m3/tháng; dầu diesel là hơn 3,1 triệu m3, bình quân hơn 1 triệu m3/tháng; dầu mazut là hơn 110.000 tấn, bình quân hơn 36.000 tấn/tháng... Tổng cộng lượng xăng dầu là hơn 5,5 triệu m3/tấn, bình quân hơn 1,8 triệu m3/tấn/tháng.
Về chi phí của doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết chi phí nhập khẩu dù đã được điều chỉnh nhưng thời gian vừa qua lại biến động tăng rất cao, việc điều chỉnh không sát thực tế nên các doanh nghiệp lỗ hơn 2.000 tỷ đồng trong quý III tại khâu tạo nguồn. Đây chính là lý do các doanh nghiệp ngần ngại vì lỗ rất lớn.
Ngoài ra, phía ngân hàng cũng đang vận hành theo nguyên tắc phương án nhập khẩu có lợi nhuận mới cho vay, dù Bộ Công Thương đã có văn bản đề xuất ý kiến.
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, trong quý III/2022, chi phí tạo nguồn ở nước ngoài về, theo tính toán, doanh nghiệp chịu lỗ tới 650 đồng/lít xăng. Các chi phí đó doanh nghiệp đang phải chịu lỗ để thực hiện theo đúng nhiệm vụ chính trị phân phối xăng dầu được giao. Với giá cả hiện tại trong quý IV, nhất là tháng 11, 12 tới, premium trong nước đang ở mức trên dưới 10 USD, như vậy doanh nghiệp dự báo sẽ phải chịu lỗ hơn 1.000 đồng/lít.
Lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, để bảo đảm được cho các doanh nghiệp có khả năng nhập đúng tiến độ, số lượng xăng dầu do Bộ đề xuất thì phải triệt tiêu chênh lệch giữa chi phí tạo nguồn nhập khẩu với trong nước theo cách thức lấy quỹ bình ổn để bù trực tiếp vào chênh lệch của premium nhập khẩu để bằng với giá trong nước.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương thống nhất với Bộ Tài chính để rà soát các chi phí, thay vì 6 tháng thay đổi một lần thì 3 tháng thay một lần để giảm chi phí nhập khẩu, cắt lỗ cho doanh nghiệp.
Bạch Hiền (t/h)