Sáng ngày 25/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội
Báo cáo của Chính phủ cho thấy việc triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 và các nghị quyết của Chính phủ đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tại phiên họp, Bộ trưởng bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có phạm vi rộng nên sẽ cố gắng làm rõ nổi bật cái mới, nhược điểm, hạn chế để thấy rõ bức tranh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những vấn đề cần khắc phục thời gian tới.
Bộ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều Nghị định, thông tư, tuy nhiên, những vấn đề thực tiễn phát sinh yêu cầu tiếp tục sửa đổi các quy định.
Trong đó, Nghị định 153 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đang được sửa vì xuất hiện lỗ hổng, đã có những vi phạm nên cần phải siết lại.
Cũng theo Bộ trưởng bộ Tài chính, Bộ này cũng đã có 5 thông cáo báo chí, 4 cuộc trao đổi về những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ ra văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra nhằm xử lý, làm trong sạch thị trường.
Thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nêu: trong năm 2021, thông tin thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, giá bất động sản tăng bất thường tại một số nơi.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định.
Thị trường cũng xuất hiện tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
Bạch Hiền (t/h)