Nhu cầu "giải quyết nỗi buồn" là cần thiết với mỗi người. Mặc dù thời gian ở trong nhà vệ sinh luôn ít hơn so với những hoạt động khác nhưng đây chính là địa điểm dễ lây lan vi khuẩn xấu. Dưới đây là một số thói quen khi đi vệ sinh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bạn nên nắm rõ.
Vừa đi vệ sinh vừa nghịch điện thoại và đọc sách
Vừa đi vệ sinh vừa nghịch điện thoại hay đọc sách ẩn chứa nhiều hiểm họa sức khỏe. Ảnh minh họa
Theo báo Vietnamnet, nhiều người có thói quen mang điện thoại vào nhà vệ sinh để đọc báo, kiểm tra thư từ hay đơn giản là truy cập mạng xã hội. Trên thực tế, thói quen này ẩn chứa vô số hiểm họa và rất dễ khiến bạn nhiễm bệnh.
Dùng điện thoại khi đi vệ sinh khiến não bộ tập trung vào điện thoại mà quên đi "nhiệm vụ chính". Điều này sẽ làm rối loạn chức năng chỉ huy của não bộ và khiến việc dẫn truyền thần kinh bài tiết kéo dài, gây ảnh hưởng đến thời gian đại tiện về lâu dài có thể gây ra bệnh trĩ.
Ngoài ra, dùng điện thoại trong khi đi vệ sinh có thể khiến vi khuẩn dính vào điện thoại trong quá trình sử dụng và trở thành nguồn vi khuẩn xấu “thường trực” bên bạn mỗi ngày. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chiếc điện thoại di động thậm chí còn bẩn hơn bồn cầu nhiều lần nếu không biết cách vệ sinh.
Ngồi xổm khi đi vệ sinh
"Đừng ngồi xổm trên bồn vệ sinh, ngay cả trong nhà vệ sinh công cộng”. Ảnh minh họa
Báo VOV dẫn lời của nhà vật lý trị liệu Stephanie Bobinger của Trung tâm Y tế Wexner tại Đại học Bang Ohio (Mỹ), nói rằng: "Đừng ngồi xổm trên bồn vệ sinh, ngay cả trong nhà vệ sinh công cộng”.
Mặc dù có vẻ hợp vệ sinh, nhưng cách ngồi xổm thực sự rất tệ đối với cơ thể. Tư thế ngồi này gây căng cơ sàn chậu. Từ đó khiến không thể làm rỗng bàng quang một cách bình thường.
Theo thời gian, căng cơ sàn chậu có thể dẫn đến rối loạn chức năng của các cơ. Khi điều đó xảy ra, có thể gây ra tình trạng táo bón, đi vệ sinh thường xuyên, tiểu không tự chủ và đau.
Đi tiểu "dự phòng"
Theo báo Thanh niên, trước khi rời khỏi nhà, nhiều người nghĩ rằng nên đi vệ sinh trước, mặc dù thực sự chưa cảm thấy "mắc". Việc này là cần thiết nếu bạn phải đi xe trong thời gian dài.
Tuy nhiên, nếu lúc nào bạn cũng làm điều này một cách không cần thiết, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy muốn đi tiểu thường xuyên hơn, ngay cả khi bàng quang chưa đầy.
Rặn khi đi tiểu
Đôi khi bạn muốn đi tiểu nhanh hơn hoặc muốn làm trống bàng quang của mình, vì vậy bạn phải rặn. Tuy nhiên, đó không phải là hành động tốt, bởi vì theo thời gian, nó sẽ làm cho cơ sàn chậu yếu đi.
Đứng dậy luôn sau khi đi vệ sinh
Nhiều người sau khi đi vệ sinh thường có thói quen đứng dậy luôn, đây cũng là một thói quen có hại với sức khỏe. Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh huyết áp và tim mạch, khi đi vệ sinh việc bạn đứng lên luôn khiến cho bạn dễ bị ngã quỵ do choáng váng, nhất là với người cao tuổi.
Vì vậy với những người có tiền sử hai căn bệnh này thì sau khi đi đại tiện xong tốt nhất nên từ từ đứng lên để tránh trường hợp bị thiếu máu dẫn tới choáng váng, chóng mặt và bị ngã quỵ.
Không đóng nắp bồn cầu khi xả nước
Nên đóng nắp bồn cầu khi xả nước. Ảnh minh họa
Khi bạn xả nước bồn cầu, các giọt nước nhỏ kèm hàng triệu vi khuẩn sẽ bắn vào không khí, có thể lan truyền gây hại cho sức khỏe. Vi khuẩn có thể phát tán tới độ cao khoảng 2m tính từ bệ bồn cầu và tồn tại trong thời gian đủ để sinh sôi, phát triển lan ra khắp ngôi nhà.
Vì vậy, hãy luôn đóng nắp bồn cầu khi xả nước để hạn chế sự phát tán của các vi khuẩn gây bệnh này.
Không rửa tay sau khi đi vệ sinh
Hãy rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Ảnh minh họa
Bàn tay tiếp xúc nhiều nhất với các vật dụng hàng ngày. Có đến 40.000 vi khuẩn trên 1cm2 da. Con số này còn cao hơn nhiều ở bàn tay, đặc biệt là ở lòng bàn tay, kẽ tay, móng tay...
Nếu bạn chạm tay vào một bề mặt có vi khuẩn hoặc virus và sau đó bạn bắt tay với ai đó, bạn đã làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh cho người khác. Nếu bạn chạm tay vào miệng, mũi và mắt của chính mình, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Môi trường nhà vệ sinh chứa rất nhiều vi khuẩn, vi rút, nấm mốc, giun sán…
Khi đi vệ sinh không thực hiện rửa tay đúng cách thì dẽ dẫn đến lây lan các bệnh như: Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus, bệnh tay-chân-miệng, bệnh viêm gan A, nhiễm ký sinh trùng Giardia, nhiễm vi khuẩn Shigella, ngộ độc thực phẩm, viêm kết mạc,….
Nguyễn Linh (T/h)