Tiền thai sản năm 2024 có thay đổi khi bỏ lương cơ sở?
Hiện, mức hưởng chế độ thai sản được tính theo mức lương cơ sở gồm tiền trợ cấp 1 lần khi sinh con, tiền trợ cấp thai sản và tiền dưỡng sức sau khi sinh con.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 104/2023/QH15, từ ngày 01/7/2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được cải cách tổng thể chính sách tiền lương. Từ ngày này, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ mà thay vào đó sẽ xây dựng các bảng lương cơ bản mới bằng số tiền cụ thể.
Trong khi đó, hiện nay, các tính hưởng các chế độ thai sản đang được quy định tại Điều 38, Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 như sau:
- Trợ cấp một lần khi sinh con = [2 x mức lương cơ sở]/con
(Hiện nay lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng nên mức trợ cấp 1 lần khi sinh con đến hết 30/6/2024 là 3,6 triệu đồng/tháng)
- Trợ cấp thai sản khi lao động nữ sinh con = 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ x 6 tháng
Nếu chưa đóng đủ 06 tháng thì được hưởng theo mức bình quân tiền lương của các tháng đã đóng.
Sau cải cách tiền lương, chế độ thai sản cũng sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa.
- Tiền trợ cấp trong trong trường hợp lao động nam có vợ sinh con = Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ : 24 ngày x số ngày nghỉ
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính theo tổng tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động. Do lương của cán bộ, công chức, viên chức được tính theo lương cơ sở nên mức bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của cán bộ, công chức, viên chức phụ thuộc vào mức lương cơ sở.
Bởi vậy, khi cải cách tiền lương tức là bỏ mức lương cơ sở thì mức hưởng các chế độ thai sản cũng sẽ thay đổi theo.
Bỏ lương cơ sở, tiền thai sản năm 2024 tính như thế nào?
Do hiện nay mới chỉ có chính sách về cải cách tổng thể tiền lương mà chưa có các văn bản chi tiết hướng dẫn bảng lương mới theo số tiền cụ thể của cán bộ, công chức, viên chức khi bỏ hệ số và mức lương co sở nên chưa có căn cứ để xác định mức hưởng thai sản sau ngày 01/7/2024.
Từ giờ đến hết 30/6/2024 thì chế độ thai sản 2024 vẫn được tính theo quy định hiện nay, tức là vẫn căn cứ vào mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP.
Theo Điều 63 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất mức tiền hưởng của chế độ thai sản như sau:
- Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi là 3,6 triệu đồng cho mõi con và có thể được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng theo quy định của Chính phủ thay vì là 02 tháng lương cơ sở.
- Mức hưởng chế độ thai sản theo tháng:
- Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sau khi sinh con một ngày bằng 540.000 đồng thay vì bằng 30% mức lương cơ sở…
Do hiện nay tất cả những quy định trên mới chỉ dừng ở đề xuất và trong thời gian tới có thể sẽ còn thay đổi khi chính thức có hướng dẫn về việc cải cách tiền lương.
Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay. Thay vào đó, nhà nước xây dựng chế độ tiền lương mới với cơ cấu như sau: Lương cơ bản chiếm khoảng 70% và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; bổ sung thêm quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm (không bao gồm phụ cấp). Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024), gồm: 1- Xây dựng 5 bảng lương mới; 2- Chế độ phụ cấp; 3- Chế độ tiền thưởng; 4- Chế độ nâng bậc lương; 5- Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; 6- Quản lý tiền lương và thu nhập. * 9 loại phụ cấp theo chế độ tiền lương mới gồm: Phụ cấp kiêm nhiệm; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp khu vực; phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập; phụ cấp áp dụng riêng đối với lực lượng vũ trang./. |
Bảo An