Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc đảm bảo và duy trì lực lượng vận tải hàng không.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, một số hãng hàng không Việt Nam triển khai việc tái cơ cấu, thực hiện trả tàu bay, cắt giảm khai thác một số đường bay.
Bên cạnh đó, theo thông báo của Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW), một số tàu bay của các hãng hàng không phải triệu hồi để thực hiện kiểm tra, sửa chữa chuyên sâu động cơ PW1100 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tải cung ứng trên các đường bay nội địa và quốc tế gây ra khó khăn nhất định đối với hành khách.
Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đối với hành khách tham gia vận tải hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam, chỉ đạo các hãng hàng không khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch khai thác, bổ sung máy bay đảm bảo và duy trì lực lượng vận tải, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4, 01/5 và giai đoạn cao điểm hè sắp tới.
Thực hiện các giải pháp hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, điều lệ vận chuyển liên quan đến nghĩa vụ của người vận chuyển.
Bên cạnh đó, hỗ trợ và khuyến khích các hãng hàng không tăng năng lực khai thác đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn (nếu có).
Ngoài ra, tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay của hãng hàng không, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có).
Ngoài ra, tổ chức giám sát chặt chẽ công tác an ninh, an toàn hàng không và chỉ đạo, phối hợp với các hãng hàng không thông tin cho cơ quan báo chí về tình hình hoạt động vận tải hàng không để người dân, hành khách nắm bắt được kịp thời.
Theo Bộ GTVT, thời gian qua, một số hãng hàng không Việt Nam triển khai việc tái cơ cấu, thực hiện trả tàu bay, cắt giảm khai thác một số đường bay
Ông Lê Hồng Hà, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết thách thức lớn nhất đối với các hãng hàng không ở giai đoạn hiện tại là việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu nguồn nhân lực.
Vấn đề này xảy ra từ đại dịch Covid-19 và hiện đang gây ra việc thiết hụt vật tư, linh kiện và các cơ sở bảo dưỡng, trang thiết bị phục vụ cho máy bay như động cơ máy bay… làm thay đổi cách quản trị của các hãng hàng không với đội máy bay của mình.
Với Vietnam Airlines, dòng động cơ NEO bị ảnh hưởng. Cả thế giới có hơn 3.500 động cơ NEO bị ảnh hưởng, phải đưa vào kiểm tra trong đó Vietnam Airlines có 24 động cơ, tương ứng với 12 máy bay phải đưa vào kiểm tra, bảo dưỡng.
Điều này khiến đội bay thân hẹp của Vietnam Airlines bị ảnh hưởng, hiện Vietnam Airlines có khoảng 60 máy bay A321 thì có tới 12 chiếc phải tạm dừng khai thác để đưa vào kiểm tra. Ngoài ra, còn rất nhiều thiết bị khác của máy bay phải đưa vào bảo dưỡng, cả động cơ của máy bay A350.
Đặc biệt, do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến thời gian bảo dưỡng bị kéo dài. Nếu trước đây, thời gian để bảo dưỡng một động cơ bình quân là 100 - 120 ngày nhưng hiện để bảo dưỡng xong phải cần tới 250, thậm chí là 300 ngày.
Ông Lê Hồng Hà nhận định, việc thiếu hụt máy bay do phải kiểm tra, bảo dưỡng gây thách thức rất lớn cho các hãng hàng không, phải quản trị để vẫn duy trì được tải cung ứng, phục vụ cho thị trường, nghĩa là phải tăng năng suất của máy bay, phải tập trung khai thác đội bay hiệu quả hơn, tăng khả năng khai thác để bù đắp thiếu hụt do một phần đội bay phải đưa vào bảo dưỡng.
Đối với hãng hàng không Vietjet Air, hãng này cũng đang tạm ngưng 8 máy bay. Vietjet Air cho biết, sắp tới sẽ tăng thêm số lượng ngay trong dịp cao điểm hè. Tình trạng thiếu máy bay chủ yếu ảnh hưởng đến các dòng thân hẹp như Airbus A320, A321 vốn được sử dụng để phục vụ các chặng ngắn đến vừa và cũng chiếm tỷ trọng lớn trong đội bay toàn cầu. Điều này khiến những chặng nội địa và chặng ngắn sẽ bị ảnh hưởng hơn.
Ngoài ra, từ ngày 18/3 vừa qua, hãng hàng không Pacific Airlines cũng đã chính thức xác nhận việc trả toàn bộ đội máy bay. Đại diện Pacific Airlines cho biết đây là bước tiến hành tái cấu trúc đội bay, mạng đường bay của hãng để đảm bảo và gia tăng hiệu quả hoạt động.
Bamboo Airways cũng dừng khai thác đội tàu bay Embraer E190 (3 chiếc) và dừng khai thác các đường bay sử dụng loại tàu bay này (Hà Nội-Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TP. HCM- Đồng Hới/Côn Đảo) để thực hiện tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác, tiến tới cân đối được thu chi và mở rộng, tăng trưởng trở lại. Với đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo sẽ dừng khai thác từ ngày 1/4/2024. Việc này khiến lượng máy bay giảm từ 30 chiếc thời kỳ đỉnh cao xuống còn 8 chiếc từ tháng 4/2023.
Cục Hàng không Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không nghiên cứu, lựa chọn các hình thức, phương tiện phù hợp với kế hoạch di chuyển đến các điểm đến, trong đó có Côn Đảo và chủ động theo dõi thông tin về kế hoạch khai thác của các hãng hàng không để sắp xếp kế hoạch, sớm đặt vé khi lựa chọn di chuyển bằng đường hàng không.
Các tổ chức, cá nhân nên mua vé qua các phòng vé, đại lý chính thức của hãng để bảo đảm quyền lợi và thông tin đến Cục Hàng không, cảng vụ hàng không khu vực hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo đường dây nóng trong trường hợp phát sinh các vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách.
Nguyễn Lâm