PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết trên VnExpress, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo sẽ giữ ổn định như quy chế năm 2022. Các cơ sở đào tạo xây dựng quy chế tuyển sinh để cụ thể hóa những quy định của quy chế này cho các hình thức đào tạo, công khai trên trang thông tin điện tử của trường.
Theo quy chế tuyển sinh năm 2022, cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, lĩnh vực và hình thức đào tạo. Một chương trình, ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp tại trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP HCM, ngày 7/7. (Ảnh: VNE)
Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển và cách thức sử dụng kết hợp các tiêu chí để phân loại, xếp hạng và xác định điều kiện trúng tuyển đối với thí sinh theo yêu cầu của chương trình, ngành đào tạo.
Tiêu chí đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành đào tạo.
Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh; trong đó có dựa trên phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển hàng năm.
Về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, quy chế tuyển sinh 2022 nêu rõ, từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.
Bên cạnh đó, từ năm 2023, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức: Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên quy định.
Việt Hương (T/h)