Theo thông tin từ Vietnamnet, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập và giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Nghị định được xây dựng nhằm thay thế cho Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và Nghị định số 97/2023/NĐ-CP.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, đối với giáo dục mầm non, phổ thông công lập, sẽ giữ khung học phí (mức sàn-trần) của năm học 2025-2026 bằng mức học phí năm học 2022-2023 quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (gắn với mức độ tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục). Cùng đó, sẽ không phân biệt mức thu học phí theo địa bàn đô thị, nông thôn, miền núi để phù hợp với thực tiễn sau khi sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp theo kiến nghị của một số địa phương.
Theo dự thảo, mức học phí của cơ sở giáo dục chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2025-2026 (mức sàn - mức trần) như sau:
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Tối đa bằng 2 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Mức trần của khung học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.
Từ năm học 2026-2027 đến năm học 2035-2036, mức trần học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm nhưng không quá 7,5%/năm.
Từ năm học 2036-2037 trở đi, mức trần học phí được điều chỉnh với khả năng chi trả của người dân, điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương nhưng tối đa không vượt quá tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tại thời điểm xác định mức học phí so với cùng kỳ năm trước do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố.
Theo báo Công an Nhân dân, cũng tại Dự thảo Nghị định, quy định mức trần học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên của năm học 2025-2026 và 2026-2027 được quy định theo lĩnh vực ngành đào tạo. Trong đó, mức trần học phí trong 2 năm học tới của lĩnh vực y, dược là trên 3,1 triệu đồng/sinh viên/tháng và 3,5 triệu đồng/sinh viên/tháng, các ngành khối sức khỏe khác là trên 2,3 triệu đồng và trên 2,6 triệu đồng. Các lĩnh vực khác dao động từ trên 1,5 triệu đến trên 2,0 triệu đồng.
Các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên xác định mức học phí tối đa bằng 2 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên. Các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư xác định mức học phí tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí của cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.
Ảnh minh họa: Báo Chính phủ.
Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ GD&ĐT quy định hoặc hoặc tiêu chuẩn quốc tế/tương đương, cơ sở giáo dục đại học căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật hoặc định mức chi phí của từng ngành, nghề đào tạo do cơ sở giáo dục ban hành để tự quyết định mức thu học phí; thực hiện công khai với người học, xã hội.
Mức trần học phí đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của các cơsở giáo dục đại học công lập được xác định bằng mức trần học phí đào tạo đại học nhân hệ số 1,5 đối với đào tạo thạc sĩ; nhân hệ số 2,5 đối với đào tạo tiến sĩ tương ứng với từng khối ngành đào tạo của từng năm học theo các mức độ tự chủ.
Mức học phí đào tạo hình thức vừa làm vừa học; đào tạo từ xa được xác định trên cơ sở chi phí hợp lý thực tế với mức thu không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng.
Trường hợp học trực tuyến (học online), cơ sở giáo dục đại học xác định mức thu học phí trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đại học tương ứng từng khối ngành.
Dự thảo Nghị định cũng quy định khung học phí với các trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập theo nhóm ngành đào tạo. Trong đó, năm học 2025-2026, nhóm ngành Sức khỏe có mức học phí cao nhất là 2,38 triệu đồng/sinh viên/tháng và năm học 2026-2027 sẽ tăng lên 2,8 triệu đồng/sinh viên/tháng; các ngành học khác giao động từ 1,4 triệu đến 2,4 triệu đồng/sinh viên/tháng. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục, quy định đối tượng miễn, giảm, hỗ trợ học phí và chi phí học tập.