Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công thương vừa có văn bản đề nghị các đại lý phân phối sản phẩm Apple chính hãng (AAR) phối hợp làm rõ thông tin phải nhập dòng iPhone 14 theo dạng "bia kèm lạc".
Để có nguồn hàng iPhone 14 cung ứng ra thị trường, nhiều đại lý tại Việt Nam phải nhập kèm nhiều sản phẩm của Apple. Ảnh minh họa: Tri thức trực tuyến
Cụ thể, để nhập được dòng iPhone 14, các AAR đã phải nhập kèm theo nhiều sản phẩm khác của Apple như MacBook, iPad, chuột, bàn phím, đồng hồ thông minh theo ràng buộc với nhà phân phối của hãng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục cũng yêu cầu các AAR cung cấp tỉ lệ các sản phẩm không phải iPhone (non-iPhone) phải nhập kèm với iPhone (nếu có) trong thời gian 6 tháng cuối năm 2022.
Các doanh nghiệp cũng cần làm rõ quy định, điều khoản về bán kèm trong hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và đại lý, đồng thời nêu rõ tác động tiêu cực của chính sách phải nhập kèm các sản phẩm non-iPhone (nếu có).
Trên thực tế, tình trạng nhập sản phẩm hoặc bán sản phẩm kèm "lạc" (các phụ kiện đi kèm) vốn chẳng phải là mới trên thị trường.
Cuối năm 2022, khi iPhone 14 series vừa ra mắt và khan hàng, nhu cầu của khách hàng tăng mạnh mẽ. Các đại lý phân phối sản phẩm Apple chính hãng (AAR) nếu muốn nhập iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max buộc phải nhập kèm thêm phụ kiện khác, đơn cử như ốp lưng, AirPods, MacBook…
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện một AAR cho biết với đơn hàng muốn nhập được 10 chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max, chuỗi phải nhập kèm theo 200 chiếc AirPods, 100 chiếc Apple Watch, 50 chiếc Apple Pencil, 200 chiếc ốp lưng chính hãng.
Một AAR khác cũng cho biết để nhập 10 chiếc iPhone 14 Pro/Pro Max, nhà phân phối ràng buộc doanh nghiệp phải nhập kèm 100 chiếc MacBook Air M1 cùng 20 chiếc Magic Mouse.
Bạch Hiền (t/h)