Nếu ông Kim Jong-un quyết định mở cửa nền kinh tế, Triều Tiên hoàn toàn có thể trở thành một Việt Nam tiếp theo.
Với rất nhiều điểm tương đồng về thể chế, lịch sử và con người, Triều Tiên hoàn toàn có thể phát triển theo con đường Việt Nam đã lựa chọn.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - Ảnh: Bloomberg |
Theo các số liệu của Bloomberg, Triều Tiên hiện nay có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam năm 1986 – thời kỳ chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường. Đây là thời điểm thích hợp để Triều Tiên có một khởi đầu mới với nền tảng công nghiệp và quốc phòng sẵn có.
Số liệu phát triển kinh tế của Triều Tiên năm 2016 và Việt Nam năm 1986 - Ảnh: Bloomberg |
Việt Nam hiện là một trung tâm sản xuất lớn của thế giới, có nền kinh tế lớn gấp sáu lần Triều Tiên. Năm 2017, kinh tế nước ta tăng 6,8%, tốc độ nhanh nhất trong vòng 10 năm, nhờ sự đầu tư của các tập đoàn Hàn Quốc.
Samsung là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng doanh thu xuất khẩu.
Nền kinh tế của Triều Tiên bị đóng băng trong thời gian dài do lệnh cấm vận, có các chỉ số không mấy ấn tượng.
Tuy nhiên, nếu Triều Tiên mở cửa cho các doanh nghiệp láng giềng, quốc gia này sẽ trở thành khu công nghiệp mới lý tưởng. Tiền lương cho người lao động thấp hơn đáng kể, vị trí địa lý thuận lợi và sự tương đồng về ngôn ngữ và văn hóa là các lợi thế cạnh tranh hấp dẫn.
Mức lương trung bình cho mỗi giờ làm việc của công nhân 5 quốc gia - Ảnh: Bloomberg |
Cam kết phi hạt nhân hóa và các động thái hòa bình với Hàn Quốc, Mỹ trong thời gian tới cho thấy Triều Tiên đã chuẩn bị bước vào giai đoạn cải cách và thay đổi.
Tại Việt Nam, đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 26% GDP. Theo ước tính của Morgan Stanle, nếu Bình Nhưỡng có thể mở cửa, xuất khẩu có thể chiếm tới 20% GDP, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng 5%.
Các khoản đầu tư từ Hàn Quốc có thể lấp đầy hạn ngạch đó. Nếu 20% GDP của Triều Tiên vào năm 2016 (số liệu mới nhất) trị giá khoảng 6 tỷ USD thì Samsung đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam trong những năm qua.
Xét về yếu tố nhân khẩu học, Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh. Khoảng 70% dân số Việt Nam nằm trong độ tuổi lao động so với 44% ở Triều Tiên. Dân số trong độ tuổi lao động của Triều Tiên dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2020 so với năm 2040 ở Việt Nam.
Khu công nghiệp Samsung tại Việt Nam - Ảnh: DTNews |
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng với dân số khoảng 80 triệu người ở cả Hàn Quốc và Triều Tiên, chính quyền hai nước hoàn toàn có thể xây dựng khu công nghiệp sản xuất và thị trường tiêu thụ tự cung tự cấp như Trung Quốc.
Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn đang cảnh giác và chờ đón tín hiệu tích cực của hội nghị lịch sử giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu “khoảnh khắc hòa bình thế giới” thực sự sắp đến, đó sẽ là tin mừng không chỉ cho các doanh nghiệp mà còn cho toàn bộ người dân hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên.
Thu Phương (Theo Bloomberg)