VnExpress đưa tin, ngày 28/10, một trong sáu biển được đưa ra đấu giá ở phiên đầu tiên song khách hàng "bỏ cọc" là 30K-567.89 được đưa ra đấu giá lại. Hơn một tháng trước, biển này được đưa ra đấu giá ở phiên đầu tiên với mức trả hơn 13 tỷ đồng.
Chỉ 10 giây sau khi công bố, biển 30K-567.89 có người trả giá 3,4 tỷ đồng và tăng vượt mức 10 tỷ đồng. Sau chừng 15 phút chững lại, mức trả đấu giá tiếp tục tăng cao và cuối cùng chốt ở mức 16,57 tỷ đồng.
Hiện, sau khi đấu giá lại, biển 30K-567.89 đang giữ kỷ lục về mức trúng đấu giá. Biển 51K-888.88 đứng thứ hai với 15,2 tỷ đồng (lần đầu hơn 32 tỷ đồng). Biển số 36A-999.99 có giá 5,28 tỷ đồng (lần đầu 7,4 tỷ đồng). Như vậy, trong nhóm các biển số đẹp đưa ra đấu giá lần một song khách hàng bỏ cọc chỉ còn biển 30K-555.55 và 98A-666.66 chưa được đấu giá lại.
Biển 30K-567.89 hiện đang giữ kỷ lục về mức trúng đấu giá. Ảnh: Thanh niên
Một người chuyên sưu tầm biển số đẹp cho biết biển 30K-567.89 mang ý nghĩa "phúc lộc bất tận hưởng". Tuy nhiên, anh khá bất ngờ với mức trả cho biển này bởi đoán chỉ dưới 10 tỷ đồng.
Theo báo Thanh niên, việc các biển số "siêu đẹp" được đưa ra đấu giá lại và vẫn có mức giá lên tới cả chục tỉ đồng không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về khả năng sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng bỏ cọc.
Quy chế đấu giá nêu rõ trong vòng 15 ngày kể từ khi nhận được kết quả trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải hoàn thành việc nộp tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng tiền đặt cọc). Nếu vi phạm, người trúng đấu giá sẽ mất tiền đặt cọc, biển số được đưa ra đấu giá lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc phạt tiền cọc đối với trường hợp trúng đấu giá nhưng bỏ cọc như trên chưa đủ sức răn đe, sẽ dẫn tới tình trạng bỏ cọc tràn làn, gây tốn kém, lãng phí về tiền bạc và thời gian. Các ý kiến đề nghị tăng mức đặt cọc hoặc xử phạt theo phần trăm giá trị trúng đấu giá, để hạn chế việc người trúng đấu giá "hủy kèo".
Tuy nhiên, theo đại diện Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam, quá trình tổ chức đấu giá biển số xe được tuân thủ theo quy chế đấu giá do công ty ban hành.
Quy chế này xây dựng dựa trên các quy định tại Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội và Nghị định 39/2022 của Chính phủ. Cả nghị quyết và nghị định đều nêu rõ trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc sẽ bị mất khoản tiền đặt cọc và biển số được đưa ra đấu giá lại.
Vì vậy, các nội dung trong quy chế đấu giá, gồm việc người trúng đấu giá bỏ cọc, đều phải xử lý theo pháp luật. Tổ chức đấu giá không được tự ý đưa ra thêm chế tài đối với trường hợp này nếu pháp luật không quy định.
Phương Uyên (T/h)