Gia Cát Lượng (181 - 234) được người đời vinh danh là "vạn đại quân sư" (quân sư nghìn đời). Ông là một nhà quân sự, chính trị nổi tiếng thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng không chỉ nổi tiếng về tài thần cơ diệu toán, mà còn có khả năng biện luận sắc sảo, ngôn từ có sức mạnh như ngàn vạn gươm đao. Khả năng "tâm lý chiến" của Gia Cát Lượng lưu truyền từ thời Tam quốc đến ngày nay càng khiến hậu thế thêm khâm phục tài trí con người này.
Gia Cát Lượng trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010. Ảnh: Sohu
Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý là hai đối thủ không đội trời chung, từng nhiều lần bất phân thắng bại. Một trong những sự kiện nổi bật là khi vị quân sư của Lưu Bị dùng "Không thành kế", giúp đuổi được 15 vạn quân Ngụy uy phong lẫm liệt. Sự kiện này từng được khắc hoạ nhiều lần trên màn ảnh.
Trong bộ phim Tam quốc diễn nghĩa phiên bản năm 1994, Không thành kế được Gia Cát Lượng sử dụng trong lần Bắc phạt thứ nhất. Sau khi Mã Tốc để mất Nhai Đình, Gia Cát Lượng chỉ còn 2500 quân sĩ đóng ở huyện Tây Thành. Bỗng nhiên, Mã Phi về báo: "Tư Mã ý mang mười lăm vạn đại quân đang kéo đến Tây Thành".
Thời điểm đó, không có vị đại tướng nào ở bên Gia Cát Lượng mà chỉ có một tốp quan văn. Nghe tin này, các quan đều tái mặt đi vô cùng lo sợ. Vị quân sư bước lên mặt thành quan sát, quả nhiên xa bụi cuốn mịt mờ, quân Nguỵ đang xông tới Tây Thành.
"Đem giấu hết cả cờ quạt đi, binh lính ai nấy đều vào giữ lấy chòi gác tuần tiễu của mình trên mặt thành, nếu có kẻ nào tự ý ra vào cổng thành hoặc nói lớn, sẽ bị giết. Mở rộng hết bốn cổng thành ra, ở mỗi cổng thành lấy hai chục người cải trang làm dân thường, quét ở đường phố. Nếu quân Ngụy đến, không được nhốn nháo, ta khắc có mưu kế để đối phó", Gia Cát Lượng điểm tĩnh ra lệnh.
Gia Cát Lượng dùng đến "Không thành kế"
Thế cục tưởng đã định, Tây thành khó giữ nhưng Gia Cát Lượng lại dùng đến "Không thành kế", mở rộng cửa thành sau đó chính mình bước lên đầu thành dâng hương, ung dung đánh đàn.
Nghe thám báo về báo lại tình hình, Tư Mã Ý ra lệnh cho quân sĩ lập tức dừng lại, tự phi ngựa lên phía trước nhìn lên thì thấy Gia Cát Lượng ở trên mặt thành vẻ mặt tươi cười ngồi tựa lan can, đốt hương gảy đàn, bên trái có một tiểu đồng, tay bưng một thanh gươm báu, bên phải cũng có một tiểu đồng tay cầm phất trần. Trong ngoài cổng thành chỉ có chừng hai chục người dân thường, cắm cúi quét đường cứ như thể không có ai ở bên mình. Sau khi nhìn thấy cảnh tượng đó, Tư Mã ý nghi ngờ rằng trong thành có mai phục, vội vàng ra lệnh lui binh.
Nhiều người cho rằng Tư Mã Ý quá đa nghi, sợ hãi. Nắm trong tay một đội quân hùng mạnh, ông hoàn toàn có thể cử người đến thăm dò thực hư trong Tây thành. Ngay cả con trai của ông là Tư Mã Chiêu cũng đã gợi ý cho cha mình cách này.
Quyết định của Tư Mã Ý khiến con trai ông luôn phân vân. Mãi đến khi chỉ còn hơi tàn, ông mới tiết lộ sự thật về chuyện năm đó.
Biểu cảm của Tư Mã Ý (Nguỵ Tông Vạn) khi nghe tiếng đàn của Gia Cát Lượng.
Tư Mã Ý biết mình chưa thể xuống tay với Gia Cát Lượng vì bản thân phải đối phó với nhiều mối đe dọa đố kỵ trong triều. Nếu Gia Cát Lượng chết, con đường vào Thục Hán mở toang, Tư Mã Ý biết mình sớm muộn cũng sẽ trở thành cái gai trong mắt nhà Ngụy. Chỉ cần Gia Cát Lượng còn sống, thế lực Tào Ngụy có thể bị kiểm soát, tạo ra thế cục cân đối. Dù nhà Tư Mã có bị họ Tào nghi ngờ, kiêng kị thì vẫn có giá trị lợi dụng.
Nếu không, họ Tư Mã sẽ rất nhanh bị diệt tộc. Ngoài ra, Tư Mã Ý trước sau luôn là người chủ động phòng thủ. Gia Cát Lượng năm lần bảy lượt Bắc phạt thì ông đều thủ vững. Sau này, vị quân sư này bị bệnh mà chết trên chiến trường, ông cũng không đuổi cùng giết tận.
Có thể nói, Tư Mã Ý một lần nữa đã nhìn xa trông rộng. Ông duy trì cục diện Tam quốc đến cuối đời, để tích lũy quyền lực cho hậu duệ sau này phế bỏ nhà Ngụy, rồi mới thống nhất Trung Hoa.
Mộc Miên (T/h)