Theo báo Phụ Nữ Việt Nam, Michael Kohlhof, 35 tuổi, lúc đầu gặp một số các triệu chứng giống như cúm, gồm sốt, mệt mỏi và đau bụng. Một tuần sau, tình trạng bệnh của Michael tiến triển xấu. Đến một ngày Michael không còn chút sức lực nào để bước ra khỏi nhà, lúc này anh mới được đưa đến khoa cấp cứu tại một bệnh viện ở San Antonio.
Anh bị sốc nhiễm trùng và tiếp tục được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt.
Do không để ý đến vết cắn nên anh nghĩ mình chỉ bị sốt thông thường. Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam
Trong những tuần kế tiếp, anh bị chẩn đoán mắc chứng hoại thư khô (dry gangrene), hay mô hoại tử bị nhiễm trùng, dẫn đến một quyết định đau lòng là bác sĩ phải cắt tay và một phần bàn chân của anh. Nguyên nhân là bởi nhiễm trùng khiến máu không thể phân bố đều đến các chi.
Bác sĩ phải cắt tay và một phần bàn chân của anh. Ảnh: Báo Phụ Nữ Việt Nam
Sau khi điều trị thuốc an thần trong 2 tuần, Michael tỉnh lại vào hồi đầu tháng 7. Song nỗi đau chưa chấm dứt, anh vẫn phải thực hiện các quy trình cấy ghép da, đồng thời được các bác sĩ theo dõi cẩn thận để đảm bảo mô chết từ các vết hoại tử không tiếp tục lan rộng. Khả năng xấu nhất là anh phải cắt bỏ phần bàn chân đi.
Chị dâu của Michael Kohlhof, Maria Virginia Kolhof, nói rằng khi các triệu chứng ban đầu xuất hiện, Michael chỉ đơn giản nghĩ mình bị cúm thôi, nên nhất quyết không muốn đến bệnh viện. Cả gia đình đều không biết anh nhiễm bệnh khi nào và ở đâu. Thời gian ủ bệnh sốt phát ban từ 7 đến 14 ngày.
Sau khi Michael nhập viện, mất gần một tuần mới chẩn đoán đúng bệnh. Vì bệnh sốt phát ban khá hiếm gặp nên các xét nghiệm phải gửi đến phòng thí nghiệm chuyên khoa, và mất vài ngày mới có kết quả.
Gia đình của anh hiện tại đã tạo một trang quyên góp trên GoFundMe để hỗ trợ điều trị cho Michael, bởi anh không có bảo hiểm y tế. Michael đến nay đã dần lấy lại sức khỏe nhưng vẫn sẽ trải qua vô số cuộc phẫu thuật, trị liệu và phục hồi chức năng trong tương lai.
Dù đã không còn lành lặn, Michael vẫn luôn lạc quan. “Tôi ngưỡng mộ tinh thần của em trai. Em luôn cố gắng giữ thái độ tích cực sau khi sống sót qua cơn thập tử nhất sinh”, anh trai của Michael cho biết.
Bệnh sốt phát ban là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn từ bọ chét, chấy, rận. Theo CDC Mỹ (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh), bệnh sốt phát ban do bọ chét gây ra thường gây buồn nôn, ho, đau dạ dày và phát ban sau năm ngày kể từ lúc bị cắn.
Bệnh sốt phát ban là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi vi khuẩn từ bọ chét, chấy, rận. Ảnh minh họa
Bọ chét và rận truyền vi khuẩn gây bệnh khi phóng uế vào vết cắn trên da, chất thải theo đó gây nhiễm trùng vết thương.
Nạn nhân cũng có thể mắc bệnh sốt phát ban nếu không may hít phải phân bọ chét bị nhiễm bệnh hoặc phân bị bay vào mắt. May mắn là bệnh không lây lan từ người sang người.
Cách phòng tránh bọ chét cắn
Cách phòng tránh bọ chét cắn tốt nhất là tiêu diệt chúng hoàn toàn trong môi trường sống của bạn. Theo tạo chí Sức khỏe cộng, bạn có thể sử dụng một số cách dưới dây để phòng tránh bọ chét:
Dùng hóa chất mùi hăng như xăng dầu, giấm ăn, nhựa thông, các loại sơn, rượu mạnh... để đuổi bọ chét vì chúng rất sợ những mùi này.
Dùng bình xịt côn trùng để xịt vào những góc nhà, thảm… các nơi mà bọ chét có thể sinh sống.
Dùng băng phiến để đuổi bọ chét: Bạn hãy nghiền nát một ít băng phiến và rải nó xung quanh nhà, trong gầm giường, các thảm... các chỗ ẩm mốc mà bạn có thể tìm được.
Nguyễn Linh (T/h)