Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo "Phát triển và ứng dụng vaccine EV71: Tăng cường đáp ứng y tế công cộng với bệnh tay chân miệng" do Viện Pasteur TP.HCM tổ chức ngày 22/5.
TTXVN dẫn lời Bác sĩ Phan Thị Ngọc Uyên, Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM cho biết, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B, có khả năng lây lan nhanh và có khả năng gây tử vong. Bệnh do nhóm virus đường ruột enterovirus gây ra, lưu hành quanh năm và diễn ra khắp toàn quốc nhưng khu vực phía Nam chiếm từ 60-80% số ca bệnh. Bệnh thường tăng vào tháng 4-6 và tháng 9-10 hằng năm.
Từ đầu năm 2025 đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 14.600 ca mắc tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. So với cùng kỳ các năm trước, năm 2025 có sự gia tăng ca mắc tay chân miệng. Những năm qua, các chủng virus gây bệnh tay chân miệng xuất hiện song hành với nhau, tuy nhiên, nếu năm nào có sự xuất hiện của chủng EV71 thì số ca mắc nặng gia tăng.
Tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng tại Việt Nam, trong đó có khu vực phía Nam. Ảnh minh họa.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, thực tế tại Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, trong số các ca bệnh nặng, có khoảng 70% là do chủng virus EV71 gây ra. Mỗi lần có ca bệnh tay chân miệng nặng đều ghi nhận sự xuất hiện của chủng virus EV71.
Năm nay, số ca bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng và đang là thời điểm mùa bệnh tay chân miệng. Trong sáng 22/5, Bệnh viện Nhi đồng 1 điều trị cho 30 ca bệnh tay chân miệng nội trú, trong đó có 3 trường hợp thở máy.
“Dù chưa thực hiện xét nghiệm nhưng chúng tôi nghi ngờ 3 trường hợp nặng này do chủng virus EV71 gây ra”, bác sĩ Nhàn nhận định.
Theo cập nhật của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 20, Thành phố ghi nhận 916 ca tay chân miệng, tăng 40,1% so với mức trung bình 4 tuần trước. Đây là tuần có số ca mắc tay chân miệng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Lũy kế từ đầu năm, toàn thành phố đã có 6.711 ca mắc. Các địa phương có số ca bệnh cao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và quận 11.
Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là nhóm dưới 5 tuổi. Bệnh có khả năng lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Nếu không được kiểm soát, bệnh có thể bùng phát thành dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non và nhóm giữ trẻ gia đình.
Bên cạnh tay chân miệng, tình hình bệnh sởi cũng đang được theo dõi chặt chẽ. Trong tuần qua, TP.HCM ghi nhận 100 ca mắc sởi, giảm 24,5% so với mức trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 5.337 ca. Nếu tính từ đầu mùa dịch, con số này là 9.383 ca. Sởi tiếp tục ghi nhận nhiều ở TP.Thủ Đức, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Trong khi đó, sốt xuất huyết duy trì ở mức ổn định nhưng vẫn cần cảnh giác. Tuần 20, thành phố ghi nhận 265 ca sốt xuất huyết, giảm nhẹ 2,8% so với mức trung bình 4 tuần trước. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 7.690 ca được ghi nhận. Bệnh phân bố nhiều tại huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi và TP.Thủ Đức.
Trước diễn biến phức tạp của các bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, HCDC khuyến cáo người dân nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt với tay chân miệng, bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng ở trẻ em.
Để phòng bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã cho trẻ. Các vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn cần được lau rửa và khử khuẩn mỗi ngày.
Trẻ cần được dùng riêng các vật dụng cá nhân như ly uống nước, muỗng, khăn mặt. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và cách ly kịp thời.
Đặc biệt, phụ huynh cần theo dõi sát các dấu hiệu nặng như giật mình, lừ đừ, sốt cao không hạ, thở nhanh để đưa trẻ đi cấp cứu sớm, tránh biến chứng nguy hiểm, theo Tạp chí Tri Thức.