Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bên trong sự cô độc của Tổng thống Trump những ngày cuối nhiệm kỳ

(DS&PL) -

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng "thu mình" và cô độc tại Nhà Trắng.

Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày càng "thu mình" và cô độc tại Nhà Trắng.

Sau cuộc biểu tình bạo loạn tại phiên họp Quốc hội ngày 6/1, các nghị sĩ Mỹ đang cân nhắc việc viện dẫn Tu chính án 25 nhằm phế truất Tổng thống Donald Trump. Trong đó, các đảng viên Dân chủ đã kêu gọi ông sớm từ chức, thậm chí đòi cắt chức ông và yêu cầu mở cuộc điều tra luận tội ông với cáo buộc "kích động bạo loạn". 

Tổng thống Trump ngày càng cô độc trong những ngày cuối nhiệm kỳ. Ảnh: NY Daily

Trong hơn 24 giờ qua, hơn một nửa số thành viên nội các của ông Trump đã từ chức. Mối liên hệ giữa ông và đảng Cộng hoà, từng vô cùng vững chắc, giờ đây đã suy yếu hơn bao giờ hết kể từ sau vụ bạo loạn gây thất vọng trên. Một số người đổ lỗi cho Tổng thống Trump sau thất bại của cuộc bầu cử thượng nghị sĩ của 2 ứng viên đảng Cộng hoà tại Georgia, điều khiến đảng Cộng hoà thất thế trước đảng Dân chủ trong nhiệm kỳ mới bắt đầu từ năm 2021.

Sau sự hỗn loạn trên, Quốc hội đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Phản ứng trước thông tin này, ông chủ Nhà Trắng lần đầu lên tiếng chấp nhận thua cuộc và cam kết chuyển giao quyền lực hoà bình đúng trật tự vào ngày 20/1. 

Trong một video mới đây nhất được đăng tải trên Facebook và Twitter, ông Trump thừa nhận sẽ có một chính quyền mới tiếp quản Nhà Trắng vào ngày 20/1 tới và quá trình chuyển giao quyền lực sẽ được tiến hành theo đúng trật tự. Ông khẳng định "trọng tâm của ông ấy giờ đây là đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, có trật tự và liền mạch. Giờ đã đến lúc kêu gọi sự hàn gắn và hòa giải".

Ông Trump đã khiến nhiều người ủng hộ thất vọng sau sự việc ngày 6/1. Ảnh: Time

Những ngày cuối cùng của tổng thống tại Nhà Trắng được cho là sẽ vô cùng cô độc. Số người thân tín còn ở lại bên ông chỉ còn rất ít, bao gồm Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, luật sư riêng Rudy Giuliani, cố vấn thương mại Peter Navarro, giám đốc truyền thông xã hội Dan Scavino, vợ chồng ái nữ Ivanka Trump. 

Một cố vấn không chính thức của tổng thống chia sẻ với tạp chí Time: "Mọi thứ chuẩn bị xảy ra. Họ không còn chung thuyền với ông ấy".

Gần như cứ mỗi giờ lại có một lá đơn từ chức mới đến từ Bộ trưởng Giao thông vận tải Elaine Chao - vợ của Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell; đặc phái viên tại Bắc Ireland Mick Mulvaney, cựu quyền tham mưu trưởng của ông Trump và nhiều người khác.

Ngay cả Chánh văn phòng Đệ nhất phu nhân Melania Trump, bà Stephanie Grisham, người thân thiết và đã ở bên cạnh vợ chồng ông Trump kể từ khi ông tuyên bố tham gia tranh cử vào năm 2015, cũng đã rời đi sau nỗi thất vọng về cuộc bạo loạn. 

Trong khoảng 4 giờ đồng hồ hỗn loạn tại toà nhà Quốc hội, ông Trump đã đánh mất sự ủng hộ và tín nhiệm đến từ những người thân cận nhất. Một nguồn thạo tin ở Cánh Tây Nhà Trắng chia sẻ: "Hầu hết mọi người đều hoảng sợ và căng thẳng. Nhưng họ không nói gì, tất cả chỉ biết im lặng và dõi theo tin tức".

Một cựu quan chức Nhà Trắng nói thêm: "Dù sao nhiều người cũng đang muốn tìm kiếm một sự kết thúc nhẹ nhàng cho mọi chuyện". Ông lưu ý rằng một số người "không ở đây" và "đã chuyển đi". 

Những mất mát tương tự của tổng thống đã xảy ra tại đồi Capitol, nơi các đảng viên Cộng hoà lên tiếng chỉ trích và cân nhắc chuyện bãi nhiệm ông. Từ những người từng ủng hộ ông nhiều nhất như Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell đến Thượng nghị sĩ Nam Carolina Lindsey Graham đều bày tỏ nỗi thất vọng đối với tổng thống của họ. 

Theo một phụ tá lãnh đạo đảng Cộng hoà tại Thượng viện cho rằng đảng Cộng hoà không muốn "hạ gục" ông Trump. Ảnh: Politico

Tối 6/1, một vài nghị sĩ đã công khai chỉ trích trách nhiệm của ông Trump trong vụ bạo loạn khủng khiếp vừa qua. Thượng nghị sĩ Cộng hòa đến từ Bắc Dakota Kevin Cramer phát biểu: "Tôi nghĩ Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm cho sự việc trên. Những gì xảy ra thật kinh khủng".

Đối với ông Trump, vụ bạo lực trên đã vượt quá cả sự nghiệp chính trị của ông. Đám đông phẫn nộ ủng hộ ông đã không ngần ngại đập phá, gây ra mối đe doạ đối với phó Tổng thống Mike Pence và những đảng viên Cộng hoà đứng về phía ông. 

Điều này cũng có thể đặt dấu chấm hết cho những tham vọng của ông sau khi rời nhiệm sở. Một cố vấn không chính thức phỏng đoán triển vọng của Trump về các thương vụ truyền hình và kinh doanh sẽ tan vỡ như những gì xảy ra tại toà nhà Quốc hội ngày 6/1. Trước đó 1 tuần, ông còn từng được kỳ vọng sẽ trở thành gương mặt đại diện cho đảng Cộng hoà và một ứng viên sáng giá cho cuộc đua tổng thống năm 2024. 

Nhưng giờ đây, ông có thể làm được gì, tầm ảnh hưởng của ông sẽ ra sao sau khi rời sở nhiệm vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải. 

Một trong những nhà tài trợ của đảng Cộng hoà, ông Dan Eberhart khẳng định: "Những gì xảy ra ở đồi Capitol sẽ không bao giờ bị lãng quên. Mọi người đều còn bàng hoàng. Và điều này không hề bị phóng đại".

Tuy nhiên, tạp chí Time cho rằng vị trí và sức ảnh hưởng của ông Trump trong đảng Cộng hoà sẽ không bị mất hoàn toàn. Minh chứng là 130 nghị sĩ đảng Cộng hoà vẫn quyết định đứng lên thách thức kết quả bầu cử tổng thống dù không thể thay đổi được điều gì. Các thành viên đảng Cộng hoà cũng đã tranh cãi và vẫn còn nhiều người trong số đó phản đối việc bãi nhiệm ông Trump, bao gồm phó Tổng thống Mike Pence. 

Một phụ tá của đảng Cộng hoà tại Thượng viện cho biết: "Chúng tôi không trừng phạt ông ấy. Tôi không nghĩ mọi người cố gắng hạ gục ông ấy. Chúng ta cần phải tiếp tục. Đảng của chúng ta đã bước sang trang mới".

Minh Hạnh (Theo Time)

Tin nổi bật