Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bên trong Nhà Trắng lúc chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng Ukraine

(DS&PL) -

Trong khi mối đe doạ từ Nga ngày càng tăng lên, một "đội Hổ" dẫn đầu bởi Nhà Trằng âm thầm tìm hiểu cách phản ứng của Mỹ nếu có "đông binh".

Trong khi tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực biên giới Ukraine, đội ngũ Nhà Trắng đã phải tổ chức 2 cuộc họp kéo dài hàng giờ đồng hồ. Trong đó, một cuộc họp diễn ra với nội các của Tổng thống Joe Biden để đưa ra cách tình huống có thể xảy ra và vạch sẵn phương án phản ứng trong khoảng 2 tuần đầu tiên kể từ ngày xảy ra đụng độ quân sự. 

Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết, nỗ lực này không chỉ giúp họ lường trước những diễn biến phức tạp có thể xảy ra mà còn thúc đẩy họ hành động trước, chẳng hạn như dự đoán ý định của Nga trước khi những ý định này được thực hiện.

Jonathan Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden cho biết: "Hy vọng của chúng tôi vẫn là có một con đường ngoại giao để tránh tất cả những điều này và chúng tôi không bao giờ phải sử dụng tới những kế hoạch đã vạch ra. Nhưng tất cả việc này nhằm đảm bảo rằng chúng tôi đã sẵn sàng hành động bất cứ khi nào nào chúng tôi phải làm điều đó". 

Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ Nga tấn công Ukraine. Ảnh: NBC 

"Đội Hổ" - thuật ngữ ám chỉ một nhóm các chuyên gia đang giải quyết một vấn đề cụ thể, đề cao sự cảnh giác và sẵn sàng tấn công - đã được thành lập sau khi các quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) phát hiện những dấu hiệu đáng lo ngại về một lượng lớn quân đội Nga đang tăng lên biên giới Ukraine từ tháng 10/2021. 

Các quan chức NSC thừa nhận họ có thể không dự đoán được chính xác các động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo quân sự của ông. Nhưng việc chuẩn bị và lập kế hoạch chặt chẽ vẫn là điều vô cùng cần thiết. 

Ông Finer nói: "Thực tế là những gì người Nga có thể làm không hoàn toàn 100% phù hợp với bất kỳ tình huống nào trong số này. Nhưng mục tiêu là có một một bản phác thảo đủ sát với những gì họ sẽ làm cuối cùng và các kế hoạch hữu ích trong việc rút ngắn thời gian chúng tôi cần để phản hồi một cách hiệu quả. Đó thực sự là toàn bộ mục tiêu của chúng tôi".

Nguy cơ Nga tấn công Ukraine được xem là cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại lớn nhất mà chính quyền Tổng thống Biden phải đối mặt kể từ sau sự kiện tại Afghanistan hồi năm 2021, khi sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ Kabul khiến các quan chức Mỹ đứng ngồi không yên. Theo sau đó là một cuộc tấn công liều chết của các phần tử khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS-K) tại cổng sân bay Kabul, giết chết 13 quân nhân Mỹ và khoảng 170 người Afghanistan tìm đường rời khỏi đất nước.

Một binh sĩ tham gia cuộc tập trận chung giữa Nga và Belarus, một động thái gần đây khiến các quan chức Nhà Trắng báo động nguy cơ "động binh". Ảnh: Getty 

Những khó khăn giờ đang chồng chất. Sau cuộc rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan, chính quyền ông Biden đã phải đối mặt với áp lực gia tăng để tránh một kết cục gây tổn hại tương tự liên quan tới khủng hoảng Ukraine.

Andrea Kendall-Taylor, cựu nhà phân tích của CIA về Nga, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, cho biết hiện nay, "điều đáng chú ý là số lượng lời cảnh báo Mỹ có thể đưa ra". Ông nhận xét: "Lần này họ đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn".

Năm 2014, Mỹ đã giảm bớt sự tập trung vào việc thu thập thông tin tình báo về Nga sau Chiến tranh Lạnh và tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố. Khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, ông Kendall-Taylor nói: "Chúng tôi đã bị bất ngờ và không kịp chuẩn bị gì".

Chính quyền tổng thống Mỹ hiện đang nỗ lực thúc đẩy hai hướng ngoại giao và răn đe, bao gồm cả các cuộc chiến thông tin đang diễn ra trước công chúng. Đằng sau hậu trường là việc lập kế hoạch và lập chiến lược riêng của "Đội Hổ" - điều chưa được báo cáo trước đây - để đảm bảo rằng không chỉ Nhà Trắng mà tất cả các cơ quan liên quan đều được chuẩn bị và sẵn sàng hành động.

"Đội Hổ" chính thức được thành lập vào tháng 11/2021, khi cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan yêu cầu Alex Bick, giám đốc NSC về hoạch định chiến lược, dẫn đầu một nỗ lực lập kế hoạch ở nhiều cơ quan. Ông Bick đã cử Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Năng lượng, Kho bạc và An ninh Nội địa, cùng với Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) xem xét một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra.

Cộng đồng tình báo cũng tham gia, đưa ra nhiều phương án hành động khác nhau mà người Nga có thể thực hiện cũng như rủi ro và lợi thế của từng phương án. Các phương án được triển khai bao gồm một cuộc tấn công hạn chế chỉ nhằm một phần lãnh thổ Ukraine đến một cuộc tấn công toàn diện nhằm tìm cách thay thế chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Một quan chức NSC chia sẻ: "Bạn không cần phải biết họ sẽ làm gì. Bạn chọn một loạt các tình huống hợp lý và lập kế hoạch ngăn chặn với giả định rằng bất kỳ tình huống nào trong số đó đều có thể xảy ra".

Cuốn sổ tay - tổng hợp gần ba chục bài báo và đánh giá tình báo do nhóm thực hiện từ nhiều cơ quan khác nhau - đã được phân phát cho các quan chức khác nhau, bao gồm cả các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự tại Lầu Năm Góc.

Các kế hoạch cũng xem xét các hậu quả, chẳng hạn như sự trả đũa của Nga đối với bất kỳ hình phạt nào. Các quan chức đã và đang đưa ra các biện pháp, chẳng hạn, để đảm bảo rằng Tây Âu có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên nếu Nga tìm cách ngăn các dòng năng lượng, trong khi Bộ Ngoại giao và USAID phối hợp với các đối tác về các bước để giảm bớt tác động nhân đạo.

Quan chức NSC nói thêm: "Như một vấn đề chung, bạn lập kế hoạch chống lại tình huống xấu nhất và sau đó bạn điều chỉnh lại. Nên làm theo cách đó hơn là lên kế hoạch cho một kịch bản trung gian và chịu bó tay".

Đồng thời, Mỹ cũng tăng cường chia sẻ thông tin tình báo với đồng minh phương Tây. Ông Finer cho biết: "Chúng tôi đã chia sẻ rất nhiều thông tin để đảm bảo rằng mọi người đều hiểu về những gì chúng tôi dự đoán sắp xảy ra".

Ông Bick và nhóm của ông cũng đã xem xét các sự kiện "thiên nga đen", là những sự kiện rất khó xảy ra nhưng có tác động nghiêm trọng nếu xảy ra, có thể làm phức tạp khả năng phản ứng của chính quyền. 

Quan chức NSC thông tin: "Bạn thường tập chung vào những khả năng có thể xảy ra nhất và tác động của chúng. Nhưng bất cứ điều gì có tác động lớn, dù xác suất xảy ra thấp, cũng đều cần được chú ý". 

Kế hoạch này đã được thực hiện ngay cả khi các cơ quan khác đang tiến hành các bước chuẩn bị của riêng họ. Bộ Tài chính đã xây dựng các gói trừng phạt tiềm năng và Lầu Năm Góc lên kế hoạch triển khai thêm quân trong khi Nhà Trắng hoàn thiện sổ sách kế toán của mình.

Ngoài ra, một mối quan tâm hàng đầu khác của "Đội Hổ" là nỗ lực của Nga nhằm đưa ra thông tin sai lệch rằng Ukraine, với sự hỗ trợ của phương Tây, đang chuẩn bị cho cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine. 

Trong những tuần gần đây, chính phủ Mỹ đã giải mật thông tin tình báo về những nỗ lực như vậy, bao gồm cả một âm mưu tiềm năng rằng Moscow sẽ tạo cớ để tấn công. Tuy nhiên, phía Nga đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận các cáo buộc như vậy từ Mỹ và phương Tây.

Dù vậy, Mỹ và phương Tây vẫn đang nâng cao cảnh giác với những động thái của Nga. Chính quyền Tổng thống Biden hiện đã đưa ra các biện pháp trừng phạt tiềm năng đối với các ngân hàng Nga và một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, mà họ có kế hoạch áp đặt nếu Moscow tấn công Kyiv. Trong một cuộc điện đàm hôm 12/2, Tổng thống Biden đã cảnh báo Tổng thống Putin về "cái giá đắt và nghiêm trọng" trong trường hợp "động binh".

Vào tháng 12, "Đội Hổ" đã tổ chức 2 cuộc tập trận "ảo" để kiểm tra các tình huống và phản ứng khác nhau. Tổng thống Biden đã xem xét lại kịch bản và được thông báo tóm tắt về kết quả. Quan chức NSC nói: "Cần xem xét từng vấn đề - năng lượng, lệnh trừng phạt, tư thế quân sự - một cách riêng biệt. Việc tập hợp tất cả các vấn đề lại với nhau và thực hiện một kế hoạch cho tất cả lại là một việc hoàn toàn khác. Những gì tôi thấy trong khi lập kế hoạch này là, bao gồm cả ở các cấp cao cấp nhất, mọi thứ đều tập trung vào cách các mảnh ghép ghép lại với nhau". 

Minh Hạnh (Theo Washington Post)

Tin nổi bật