Theo Vietnamnet, bé trai chào đời vào chiều 6/5. Sau sinh, sức khỏe của cả hai mẹ con đều ổn định, bé được ghép mẹ và bú ngay.
Năm 2020, bệnh viện từng đón bé gái chào đời nặng 6,1kg, gần bằng trọng lượng của trẻ 3 tháng tuổi, là con thứ 3 của sản phụ từng 2 lần sinh con to trước đó (4,5-5,3kg).
Kỷ lục trẻ sơ sinh nặng nhất Việt Nam trong 6 năm trở lại đây thuộc về một em bé ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chào đời với trọng lượng 7,1kg, năm 2017.
Bé trai chào đời nặng 5,6kg. Ảnh: BVCC
Theo Bộ Y tế, trẻ sơ sinh đủ tháng sẽ có cân nặng trung bình là 2,8 – 3,5kg. Một em bé khi ra đời nặng hơn 3,5kg thì sẽ được gọi là thai to. Thai nhi to sẽ làm gia tăng nguy cơ khó khăn khi sinh nở và sức khoẻ của em bé có thể bị ảnh hưởng sau khi chào đời.
Trẻ sơ sinh nặng cân thường gặp ở mẹ tiểu đường thai kỳ, khi đó bé dễ bị hạ đường huyết, suy hô hấp, nhiễm trùng huyết, viêm phổi… Bé chào đời cần được theo dõi sát sao, nguy cơ cao hạ đường huyết vì nhu cầu năng lượng nhiều hơn.
Bác sĩ khuyên các mẹ bầu, đặc biệt là thai phụ mang bầu to, cần khám định kỳ để theo dõi sức khỏe của mẹ và bé, có chế độ dinh dưỡng và tập luyện hợp lý, ăn nhiều rau xanh, hạn chế đường và tinh bột. Thai phụ cũng cần tầm soát tiểu đường thai kỳ, tránh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho hai mẹ con.
Để phòng tránh tiểu đường thai kỳ, Bộ Y tế hướng dẫn mẹ cần có một chế độ ăn lành mạnh với đầy đủ thành phần dinh dưỡng, luôn kiểm soát tăng cân trong thai kỳ, có chế độ vận động phù hợp, hạn chế ăn muối và tránh xa các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá.
Thai kỳ khỏe mạnh, con được phát triển tốt, mẹ có sức khỏe bền vững để đồng hành cùng con trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời luôn là cái đích mà bất kỳ bà mẹ nào cũng hướng tới. Tiểu đường thai kỳ thật sự nguy hiểm tuy nhiên khi thực hiện đúng những khuyến cáo y tế, lựa chọn nguồn thực phẩm lành mạnh, đáng tin cậy và thường xuyên vận động hợp lý thì hoàn toàn có thể phòng tránh và kiểm soát được, thông tin từ VOV.
Thùy Dung (t/h)