BS Nguyễn Thùy Linh - Phó trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu trung ương (TP.Hà Nội) cho biết mùa hè là thời điểm cho các bệnh về da phát triển. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình 1.300 bệnh nhân đến thăm khám các bệnh về da.
Đặc biệt, mùa hè khiến tình trạng nhiễm khuẩn trên da gia tăng, trường hợp bệnh nhi nói trên là một trong số trường hợp điển hình trẻ bị các nhiễm khuẩn ở trên da đang điều trị tại bệnh viện, theo Tuổi trẻ.
Chị Nga (trú tại Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội), mẹ bệnh nhi, chia sẻ trước đó 1 tuần trẻ có nổi một bọng nước ở kẽ ngón tay 1-2 ở bàn tay trái, bọng nước sau đó hóa mủ, vỡ và đóng vảy tiết màu vàng. Tổn thương sau đó tự khỏi và để lại dát đỏ trên da.
Sau đó, trẻ bắt đầu xuất hiện các vùng da đỏ ở quanh miệng và 2 má, bên trên vùng da đỏ có các mụn nước dễ vỡ, bong vảy da mỏng. Vùng tổn thương nhanh chóng lan rộng ra xung quanh và xuất hiện thêm ở các nếp gấp như nách, bẹn, khoeo tay, khoeo chân, sốt 39 độ C. Gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương và được các bác sĩ cho nhập viện để điều trị.
BS Linh thăm khám cho bênh nhi. Ảnh: Vietnamnet.
BS Linh cho biết, trường hợp bệnh nhi phải nhập viện với triệu chứng đỏ da và bong vảy da ở mặt, cổ, nách, bẹn và lan ra những vùng khác của cơ thể, kèm theo sốt cao 39 đến 40 độ C từng cơn.
"Ban đầu trẻ chỉ bị chốc nhẹ do các vi khuẩn liên cầu hoặc tụ cầu sống trên da. Khi gặp điều kiện thuận lợi, vi khuẩn sinh sôi và phát triển gây tổn thương (các bọng nước), sau đó trợt đóng vảy trên da.
Một vài trường hợp do gia đình nghĩ là tổn thương thông thường, không đưa trẻ đi khám sớm, dẫn đến biến chứng. Bệnh nhi 9 tháng tuổi là một trường hợp như vậy. Hội chứng bong vảy da do tụ cầu là bệnh nhiễm trùng da nặng do tụ cầu vàng (Staphylococcus Aureus) gây ra. Chúng tiết ra ngoại độc tố gây ly giải thượng bì, từ đó hình thành bọng nước, gây bong tách lớp thượng bì, bệnh có thể khu trú hoặc lan rộng.
Nguồn lây thường từ người tiếp xúc mang vi khuẩn, hoặc từ những vết trầy xước. Bệnh hay gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi, có thể do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, người lớn rất hiếm gặp (chỉ gặp trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc suy thận).
Trẻ mắc bệnh có triệu chứng sốt, mệt mỏi, da toàn thân đỏ và bong tróc vảy. Nếu để chậm trễ trong điều trị có thể dẫn đến nhiều nguy cơ như nhiễm khuẩn huyết hoặc gây bệnh viêm cầu thận", bác sĩ Linh nói thêm.
Đặc trưng của bệnh là đỏ ở vùng da nếp gấp như cổ, nách, khoé tay chân, sau đó lan ra xung quanh. Nguyên nhân chủ yếu là khi có vết thương hở, nguồn vi khuẩn gây bệnh đi vào cơ thể, gây nhiễm trùng trên da.
Cũng theo BS Thùy Linh, vi khuẩn này có thể gây tái nhiễm. Phụ huynh cần giữ vệ sinh tốt cho trẻ, tắm bằng sữa tắm. Người nhà tuyệt đối không được dùng chanh, các loại lá tắm cho bé.
"Cách phòng tránh tốt nhất là giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc cũng phải thường xuyên rửa tay. Cha mẹ cũng chú ý vệ sinh, giặt giũ quần áo, vật dụng, vệ sinh trong ăn uống cho trẻ. Đó là ăn xong rửa miệng sạch sẽ, không để thức ăn ăn dính vào mép, môi, miệng - là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, sinh sôi phát triển", bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo.
Cũng theo BS Linh, một số trường hợp trẻ mắc bệnh này do lây qua hô hấp. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng mùa hè có thể nhiều hơn do thời tiết nóng bức, mồ hôi tiết ra thường xuyên, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
BS Linh khuyến cáo khi trẻ có bất kỳ những tổn thương ví dụ mụn mủ, bọng nước, phụ huynh nên đưa trẻ gặp bác sĩ, có thể ngay tuyến cơ sở để được khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, theo Vietnamnet.
Linh Chi (T/h)