Chiều 28/10, cảnh sát Mỹ cho biết tại một cuộc họp báo, thiết bị gây cháy được đặt trong một thùng phiếu ở thành phố Portland thuộc bang Oregon, đã gây ra một vụ cháy vào sáng cùng ngày.
Theo các quan chức bầu cử, hệ thống dập lửa bên trong thùng phiếu đã giúp giảm thiểu thiệt hại cho các lá phiếu.
Một sự việc tương tự cũng xảy ra đối với một thùng phiếu ở thành phố Vancouver tại bang Washington. Vụ cháy có thể đã làm hư hại hoặc phá hủy hàng trăm lá phiếu.
Hai sự việc trên được nhận định là có liên quan với nhau và đã công bố một hình ảnh từ camera giám sát cho thấy một chiếc xe Volvo đỗ gần một trong các thùng phiếu ngay trước khi nó bốc cháy.
Thùng phiếu bị cháy. Ảnh ABC News
Chia sẻ trên USA Today, ông Shasti Conrad - Chủ tịch Đảng Dân chủ Tiểu bang Washington nói rằng vụ việc này là "một nỗ lực nhằm tước quyền bầu cử" của cử tri. Đảng Dân chủ tại Tiểu bang Washington tin rằng các cơ quan thực thi pháp luật và giới chức sẽ "tìm ra những kẻ chịu trách nhiệm và buộc chúng phải chịu trách nhiệm".
"Chúng tôi không biết động cơ đằng sau những hành động này nhưng những hành động như thế này là có chủ đích. Chúng tôi lo ngại hành động cố ý đó nhằm tác động đến quá trình bầu cử", cảnh sát Amanda McMillan tại Sở cảnh sát Portland cho hay.
Chủ tịch Quận Mulnomah, Oregon, bà Jessica Vega Pederson, cam kết sẽ không để các sự cố này ảnh hưởng đến việc bỏ phiếu từ nay đến ngày 5/11.
"Xin đừng để những sự cố này hoặc bất kỳ điều gì xảy ra ngăn bạn bày tỏ ý kiến qua lá phiếu của mình từ bây giờ đến Ngày Bầu cử. Nền dân chủ của chúng ta phụ thuộc vào bạn, và bạn có thể tin tưởng rằng chúng tôi sẽ giữ cho quá trình này an toàn và bảo mật”, bà Pederson nói.
Tuần trước, một số lá phiếu cũng bị hư hại ở Phoenix sau khi một thùng thư của Bưu điện Mỹ bị đốt cháy. Cảnh sát đã bắt giữ một nghi phạm, người này thừa nhận đã đốt phá nhưng cho biết vụ việc không có động cơ chính trị.
Những người tham dự cuộc vận động tranh cử của Phó tổng thống Kamala Harris ở Clarkston, Georgia, hôm 24/10. Ảnh: WSJ
Đối mặt với cuộc tấn công liên tiếp vào các hòm phiếu của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, một phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết: Mỹ vẫn trong môi trường đe dọa gia tăng và chúng tôi tiếp tục chia sẻ thông tin với các đối tác thực thi pháp luật về các mối đe dọa do những kẻ cực đoan bạo lực trong nước gây ra trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2024.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng chỉ ra, khả năng xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào các hòm phiếu từng được nêu ra trong báo cáo của Bộ công bố vào tháng này. Trong đó, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cũng cảnh báo rằng các quan chức và văn phòng bầu cử có thể bị nhắm mục tiêu, với các mối đe dọa đánh bom giả, báo tin tức giả cho cảnh sát, gửi thư có bột trắng... "để gieo rắc nỗi sợ hãi và phá hoại các hoạt động vận động tranh cử và bầu cử".
Hiện các ứng cử viên tham gia chạy đua vào Nhà Trắng đang nỗ lực tăng tốc trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử 5/11 và dự kiến sẽ có các chặng dừng chân cuối cùng trong chiến dịch tranh cử vào cuối tuần này. Kết quả của các cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc cho thấy Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris vẫn bám đuổi rất quyết liệt.
Kết quả khảo sát mới nhất của CNN cho biết, bà Harris đang tạm dẫn trước ông Trump với khoảng cách rất sít sao là 48,6% và 47,9%.
Tính đến thời điểm này, khoảng 46 triệu người Mỹ đã bỏ phiếu sớm, thấp hơn so với con số 60 triệu của cùng thời điểm trong cuộc bầu cử năm 2020.