Kết quả bầu cử sơ bộ tại Đức ngày 27/9 (theo giờ địa phương) cho thấy đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đã giành chiến thắng sát nút trước Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU-CSU) của bà Angela Merkel với tỷ lệ phiếu bầu lần lượt là 25,7% và 24,1%. Bên cạnh đó, đảng Xanh nhận được 14.8% phiếu bầu và đảng Dân chủ Tự do (FDP) được 11,5% phiếu bầu.
Với việc không có đảng nào giành được đa số ghế tại Quốc hội, vị trí tân thủ tướng Đức thay thế bà Angela Merkel đến nay vẫn chưa tìm được chủ nhân.
Đảng SPD đã xuất sắc dẫn đầu cuộc bầu cử sơ bộ ở Đức tuy nhiên họ vẫn cần thành lập một liên minh 3 bên để có thể giành quyền lãnh đạo đất nước. Ảnh: Reuters
Được biết, thủ tướng Đức sẽ được chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện sau khi chính phủ mới thành lập. Theo đó, cho tới khi tìm được người kế nhiệm, bà Merkel có thể sẽ tiếp tục tại vị trong vài tuần tới, hoặc có thể là vài tháng trong thời gian các đảng cố gắng thành lập liên minh.
Các cuộc "đàm phán thăm dò"
Đức đã có nhiều năm được lãnh đạo bởi một liên minh hai đảng. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử năm 2021, một liên minh ba đảng có thể sẽ được thành lập để đạt đa số ghế tại Quốc hội. Guardian nhận định đây vốn là điều phổ biến trong các nghị viện khu vực của Đức nhưng chưa từng có ở cấp quốc gia kể từ những năm 1950.
Trong hầu hết các hệ thống nghị viện, nguyên thủ quốc gia sẽ đề cử một đảng thành lập chính phủ, thường là đảng giành được phần lớn số phiếu bầu trong cuộc bầu cử. Nhưng ở Đức, tất cả các bên đều có thể tham các các cuộc "đàm phán thăm dò".
Trong giai đoạn đầu tiên này, không có giới hạn về thời gian và không có gì ngăn cản các bên tổ chức các cuộc đàm phán liên minh song song. Tuy nhiên, theo truyền thống, bên được nhiều phiếu bầu sẽ mời các bên nhỏ hơn tham gia thảo luận.
Bà Angela Merkel và ứng viên thủ tướng khối CDU-CSU Armin Laschet. Ảnh: EPA
Ông Armin Laschet, ứng cử viên thủ tướng từ khối CDU-CSU trung hữu của Thủ tướng Merkel, khẳng định phe bảo thủ sẽ "làm mọi thứ có thể" để lãnh đạo chính phủ tiếp theo, ngay cả sau khi kết quả sơ bộ cho thấy họ chỉ xếp thứ 2 trong cuộc bầu cử, sau đảng SPD.
Trong khi đó, ông Olaf Scholz, ứng viên thủ tướng của SPD, nhận định người dân Đức muốn có một sự thay đổi và "thủ tướng tiếp theo được gọi tên sẽ là ông Olaf Scholz".
Để giành được quyền lãnh đạo, đảng SPD có thể sẽ liên minh với đảng Xanh và đảng FDP. Được biết, đảng Xanh đã lên kế hoạch cho một cuộc họp đại hội vào ngày 2/10 tới, trong đó, họ có thể quyết định sẽ tham gia các cuộc "đàm phán thăm dò" với ai.
Các cuộc thảo luận đầu tiên
Các cuộc thảo luận sẽ bắt đầu ngay khi có kết quả bầu cử, với việc các bên tìm cách thăm dò" lằn ranh đỏ" của nhau và xác định xem liệu họ có thể làm việc cùng nhau hay không. Vào ngày 27/9, một ngày sau cuộc bầu cử, các đảng đã tổ chức những cuộc họp lãnh đạo. Các nghị sĩ mới được bầu từ mỗi bên cũng sẽ tổ chức các cuộc họp đầu tiên vào tuần tới, trong đó, SPD và CDU-CSU dự kiến sẽ được triệu tập vào ngày 28/9.
Đảng FDP, có vai trò giống đảng Xanh trong việc hỗ trợ tạo ra liên đảng mới, cho biết họ ưu tiên hợp tác với đảng Xanh và khối bảo thủ CDU-CSU. Tuy nhiên, họ cũng có thể cân nhắc về liên minh ba bên với SPD và đảng Xanh.
Quốc hội mới được bầu phải tổ chức phiên khai mạc không muộn hơn 30 ngày sau cuộc bầu cử, tức là trước ngày 26/10/2021.
Ứng viên thủ tướng đảng SPD Olaf Scholz. Ảnh: DPA
Nếu hai hoặc ba bên đồng ý về nguyên tắc chung về thành lập một liên minh, họ phải bắt đầu các cuộc đàm phán liên minh chính thức, với các nhóm công tác khác nhau họp bàn để giải quyết các vấn đề chính sách. Vào cuối các cuộc đàm phán này, các bên quyết định ai sẽ phụ trách Bộ nào và ký một hợp đồng liên minh với các điều khoản của thỏa thuận.
Giai đoạn này cũng không có giới hạn thời gian giống như khi tiến hành các cuộc "đàm phán thăm dò". Chính phủ sắp mãn nhiệm sẽ tiếp tục điều hành đất nước trong thời gian chờ đợi.
Các bên sau đó sẽ đề cử người mà họ muốn đưa lên làm thủ tướng trước khi bỏ phiếu chính thức tại Hạ viện.
Sau cuộc bầu cử gần đây nhất của Đức vào ngày 24/9 /2017, bà Merkel chính thức được xác nhận làm thủ tướng trong liên minh giữa CDU-CSU và đảng Dân chủ Xã hội trung tả vào ngày 14/3/2018.
Tình huống xấu nhất
Theo điều 63 của hiến pháp Đức, nguyên thủ quốc gia phải đề xuất một ứng viên thủ tướng tiềm năng cho Hạ viện. Nếu không có liên minh giữa các đảng, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier có quyền đề cử một thủ tướng tiềm năng, có thể từ đảng giành được phần lớn số phiếu bầu.
Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu chọn cho người này. Trong đó, thủ tướng mới cần đạt được đa số tuyệt đối phiếu bầu từ Quốc hội. Nếu điều này không đạt được, một cuộc bỏ phiếu thứ hai sẽ được tổ chức sau đó hai tuần. Nếu vẫn không có đa số tuyệt đối, thì ngay lập tức sẽ có một cuộc bỏ phiếu thứ ba trong đó đa số tương đối là đủ.
Tổng thống sau đó có quyền quyết định bổ nhiệm thủ tướng làm người đứng đầu chính phủ hoặc giải tán Hạ viện và tiến hành các cuộc bầu cử mới.
Trường hợp xấu nhất này từng suýt xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2017. Khi ấy, đối mặt với sự bế tắc trong đàm phán, ông Steinmeier đã kêu gọi các bên tiếp tục đàm phán và thúc đẩy việc đổi mới cái gọi là liên minh lớn.
Minh Hạnh (Theo Guardian)