Theo tìm hiểu của PV, với vai trò độc lập hoặc liên danh, tính từ đầu năm 2019 đến nay, công ty Hoàng Liên liên tục trúng các gói thầu lớn tại trung tâm Mua sắm của nhiều địa phương. Đơn cử, theo Quyết định ngày 25/10/2019, ông Lê Tuấn – Giám đốc ký phê duyệt cho Công ty Hoàng Liên trong vai trò liên danh với công ty Minh Thư trúng gói thầu 04/MT3: “Mua sắm thiết bị tin học (đợt 3) năm 2019”. Giá trúng thầu là 2.462.480.000 đồng.
Tiếp đó, ngày 3/1/2020, theo Quyết định số 309/QĐ cũng do ông Lê Tuấn ký, Công ty Hoàng Liên cũng với vai trò là liên danh cùng công ty Đức Bình trúng gói thầu 8/MT4: “Mua sắm thiết bị tập trung (đợt 5) năm 2020” với giá gói thầu là 3.213.420.000 đồng.
Ảnh minh họa
Sau đó, ngày 11/3/2020, theo Quyết định số 345, vẫn do ông Lê Tuấn ký phê duyệt, cũng trong vai trò liên danh với công ty TNHH Minh Hoàng, Công ty Hoàng Liên trúng gói thầu 03/MT6: “Mua sắm thiết bị tập trung (đợt 6) năm 2020” với giá 4.321333.000 đồng.
Khi nghiên cứu hồ sơ một số gói thầu trên, PV Đời sống và Pháp luật nhận thấy giá thành của thiết bị cao một cách bất thường.
Đơn cử, tại gói thầu 04/MT3: “Mua sắm thiết bị tin học (đợt 3) năm 2019” sản phẩm máy chiếu trên thị trường chỉ có giá khoảng 5.000.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 8.100.000 đồng (tổng chênh lệch trên 8 sản phẩm trong gói thầu là khoảng 24 triệu đồng). Sản phẩm máy chiếu PJ giá trên thị trường khoảng 12.000.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 19.700.000 đồng (chênh lệch khoảng 17 triệu đồng/1 sản phẩm). Máy photocopy PK có giá trên thị trường khoảng 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, giá sau đấu thầu là 23.230.000 đồng. Máy chiếu KI giá trên thị trường khoảng 12.000.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 222.500.000 đồng...
Hay tại gói thầu 8/MT4 : “Mua sắm máy tính, máy in (đợt 7) năm 2020”, sản phẩm máy in HP có giá trúng thầu 5.500.000 đồng nhưng trên thị trường chỉ có giá khoảng 3.500.000 đồng (tổng chênh lệch trên 22 sản phẩm lên tới 44.000.000 đồng). Cũng là máy in, sản phẩm giá trên thị trường chỉ 3.700.000 đồng nhưng giá trúng thầu lên tới 4.900.000 (chênh lệch tổng 10 sản phẩm lên tới 12.000.000 đồng). Sản phẩm máy in (đa năng đảo mặt tự động) có giá trúng thầu 3.000.000 đồng nhưng trên thị trường chỉ khoảng 1.900.000 (chênh lệch 11.100.000 đồng cho 10 sản phẩm).
Ngoài ra, tại gói thầu BQ, sản phẩm Máy photocopy giá trúng thầu 50.000.000 đồng nhưng trên thị trường giá chỉ khoảng 30.000.000 đồng (tổng chênh lệch 80.000.000 đồng cho 4 sản phẩm).
Theo nhẩm tính sơ bộ của PV dựa trên bảng so sánh giá chênh lệch kể trên thì tổng giá trị các sản phẩm được mua trong gói thầu cao hơn thị trường ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng. Đây mới chỉ là một số lựa chọn ngẫu nhiên của PV để so sánh.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
PV