(ĐSPL) - Gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ trẻ bị tử vong tại trường mầm non do sặc cháo hay bị hóc thịt... là hồi chuông cảnh báo sự an toàn của trẻ tại các trường mầm non đang ở tình trạng báo động.
Gần đây nhất là vụ việc bé H.P.A (2 tuổi 6 tháng) tử vong tạitrường mầm non xã Thanh An (huyện Thanh Chương, Nghệ An).
Ngôi trường nơi xảy ra sự việc cháu P.A tử vong. (Ảnh Lao động). |
Theo Lao động, vào trưa 19/1, cháu P.A sau khi ăn cơm xong cùng các bạn thì được cô giáo cho đi ngủ trưa. Khi các cháu vừa nằm xuống thì bất ngờ một cháu bé bỗng tím tái mặt.
Thấy vậy, các cô giáo vội vàng sơ cứu, đồng thời gọi Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh An gần đó sang kiểm tra. Tuy nhiên, khi nhân viên y tế chưa kịp tới thì cháu bé đã tắt thở trên tay cô hiệu trưởng.
Qua khám nghiệm tử thi, cơ quan pháp y ghi nhận trên cơ thể bé P.A không có dấu hiệu bầm dập bất thường của va đập, tuy nhiên trong phổi có thức ăn.
Trưa ngày 18/12/2014, cháu Đỗ Khánh L. (SN 2012), con anh Đỗ Trọng Sơn (SN 1981) và chị Nguyễn Thị A. (SN 1986), cùng tạm trú khu Đông Sơn, phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) được đưa đến bệnh viện đa khoa khu vực TP Cẩm Phả trong tình trạng người tím tái. Bệnh viện xác định cháu bé đã tử vong trước đó khoảng 25 phút.
Trường mầm non tư thục Hoa Hồng, nơi xảy ra cái chết thương tâm của cháu Khánh L. (Ảnh: Kiến thức). |
Các bác sĩ phát hiện có miếng thịt nạc to trong cổ họng của cháu bé và cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của cháu là do tắc nghẽn đường hô hấp.
Chia sẻ với PV Dân trí, Chị Nguyễn Thị A. (mẹ cháu L.) cho biết: “Sáng 18/12/2014, tôi đưa cháu L đến gửi tại nhà trẻ Hoa Hồng rồi đi làm. Khoảng 11h15, tôi nhận được điện thoại bên nhà trẻ báo “cháu L. bị ngất, gia đình sang ngay xem cháu như thế nào”.
Gia đình sang đến nơi đã thấy mặt mũi cháu tím tái hết, người mềm nhũn. Chúng tôi vội vã đưa cháu đến bệnh viện bằng xe máy luôn nhưng không cứu được cháu. Các bác sĩ nói cháu đã tử vong trước đó 25 phút. Bác sĩ kết luận cháu bị tắc nghẽn đường hô hấp. Họ cấp cứu và gắp ra một miếng thịt nạc to bằng đầu ngón tay trong cổ cháu".
Từ khi xảy ra sự việc, Trường mầm non tư thục Hoa Hồng đã đóng cửa ngừng hoạt động.
Khoảng 16h ngày 13/11/2014, giáo viên trường mầm non Hồng Hà (phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) gọi điện thoại cho gia đình thông báo đến để đưa cháu H. đi cấp cứu do cháu bị sặc cháo sau khi ăn. Tuy nhiên khi đến trường, gia đình phát hiện cháu Hân đã ngừng thở.
Chia sẻ với PV VOV, anh Phạm Tấn Đô (Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết, gia đình đưa cháu đến bệnh viện, các bác sĩ xác định cháu đã tử vong từ trước do sặc cháo gây tắc đường thở.
Cơ sở mầm non Hồng Hà, nơi bé trai bị tử vong do sặc cháo (Ảnh Vietnamnet). |
“Vợ chồng tôi chạy xe máy đến trường thì các cô đã bồng con tôi ra sẵn ngoài sân trong tình trạng tím tái, ngưng thở. Lúc ấy chúng tôi liền đưa cháu đến viện nhưng bác sĩ bảo tim cháu đã ngừng thở từ lâu. Tôi không hiểu sao các cô không đưa cháu trực tiếp đi cấp cứu mà lại điện thoại nói gia đình đưa đi trong khi gia đình cách trường tới 5km”- anh Đô nói.
Để tránh những vụ việc thương tâm như trên tái diễn, thiết nghĩ các trường mầm non, nhà trẻ nên quan tâm hơn tới chế độ ăn của trẻ, đồng thời gia đình và nhà trường nên biết cách xử lý kịp thời giúp trẻ thoát khỏi tử vong.
Để xử lý tình huống này, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – bệnh viện Bạch Mai cho biết trên Zing, việc sơ cứu trẻ hóc dị vật vô cùng quan trọng, nếu xử lý đúng cách và kịp thời sẽ cứu được bé trong gang tấc. Nếu không kịp thời chỉ sau 5-6 phút, dị vật chèn đường thở sẽ khiến bé ngừng thở, suy hô hấp dẫn tới tử vong. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sặc sữa, sặc cháo, hay hóc dị vật (thực phẩm cứng, đồ vật nhỏ…), cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần bình tĩnh và xử lý thật nhanh những thao tác như sau: Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé – chỗ giữa hai xương bả vai, hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài. Sau khi làm xong nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức. Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra thì cha mẹ cần hút kỹ chúng để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể làm cách khác. Với trẻ dưới 2 tuổi, cha mẹ có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức). Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu. Cách ấn ngực bé để đẩy dị vật ra ngoài. Với trẻ trên 2 tuổi, cha mẹ và người trông trẻ có thể dùng biện pháp ép bụng (phương pháp Heimlich). Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp. Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện. |