Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bàn tròn về kịch bản, phim truyện điện ảnh còn thiếu và yếu: Không có bột sao gột nên hồ và nỗi lo bắt tay tạo "lợi ích nhóm"

(DS&PL) -

Mấy năm trở lại đây, phim truyện điện ảnh Việt Nam được khán giả chú ý đến nhiều hơn vì nhiều lý do khác nhau.

Mấy năm trở lại đây, phim truyện điện ảnh Việt Nam được khán giả chú ý đến nhiều hơn vì nhiều lý do khác nhau. Nhưng thực tế hiện nay, kịch bản phim điện ảnh còn thiếu và không có những “phim bom tấn Việt”. Tình trạng này đã lên mức báo động khi nhiều nhà làm phim đã phải lấy cốt truyện từ phim nước ngoài rồi Việt hóa. Vậy nguyên nhân thiếu hụt này từ đâu và các nhà biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất nói gì về những khuyết sót này?

Cơn khát “phim bom tấn Việt”

Mới đây, cục Điện ảnh (bộ VH,TT&DL) đã tổ chức cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện Điện ảnh 2020. Một lần nữa khán giả mới giật mình nhận ra rằng, đã lâu lắm rồi họ không được xem một phim điện ảnh hay. “Cơn khát” phim điện ảnh nhiều đến nỗi, khán giả Việt Nam cứ mong chờ rồi lại thất vọng, vì chưa có phim điện ảnh nào thực sự làm “thỏa mãn” họ, khán giả phải lên mạng để xem những phim bom tấn của nước ngoài, thậm chí họ phải bỏ tiền ra để xem những phim do các nhà làm phim quốc tế sản xuất.

Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng cục Điện ảnh cho hay: “Sau 10 năm, cục Điện ảnh mới tổ chức lại cuộc thi sáng tác kịch bản điện ảnh. Theo kế hoạch năm do bộ VH,TT&DL phê duyệt cho Cục không có cuộc thi này, nên Cục đã rất cố gắng để tổ chức cuộc thi bởi kịch bản là vấn đề quá cấp bách của điện ảnh Việt Nam”.

Theo ông Vi Kiến Thành, năm 2010 cục Điện ảnh từng tổ chức cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có chọn ra bộ phim Long thành cầm giả ca được sản xuất từ kịch bản của tác giả Văn Lê. Đến năm 2015, cục Điện ảnh tổ chức với hình thức trại sáng tác kịch bản. Kịch bản được lựa chọn từ trại sáng tác để Nhà nước cấp kinh phí sản xuất là Người yêu ơi (tác giả Đỗ Bích Thúy) được giao cho Hãng phim truyện Việt Nam, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thực hiện.

Hiện tại, cục Điện ảnh đã duyệt 2 kịch bản Nhà nước cấp kinh phí sản xuất vào năm 2021 là Hồng Hà nữ sĩ nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Phơi sáng có đề tài chống tham nhũng. Số kịch bản phim đó là quá ít, không đáp ứng được nhu cầu khán giả, việc khan hiếm kịch bản hay đến mức gây “ám ảnh” những nhà làm phim và khán giả yêu điện ảnh Việt Nam.

Khán giả vẫn đang chờ "phim bom tấn Việt"

Kịch bản phim điện ảnh yếu kém Nói về tình trạng kịch bản phim truyện điện ảnh hiện nay, nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho hay: “Tôi là người đam mê phim điện ảnh, từ năm 5-6 tuổi đã cùng bạn bè chui trộm vào rạp chiếu phim để xem. Tôi cũng theo dõi tình hình của phim điện ảnh hiện nay, nhưng tôi thấy rằng, kịch bản phim điện ảnh yếu quá. Ngoài một vài bộ phim do tư nhân sản xuất, những phim do Nhà nước sản xuất chất lượng chưa cao. Xu thế các phim điện ảnh trên thế giới hiện nay là có tình yêu, có những cảnh gợi cảm... Vậy chúng ta có nhiều kịch bản hay về tình yêu chưa? Nếu có kịch bản hay, cục Điện ảnh có “dám” bắt tay với các đơn vị tư nhân không? Bởi vì phim điện ảnh muốn hay phải đầu tư kinh phí, cuộc chơi này có thể thành, có thể bại, nhưng chúng ta phải chấp nhận để đẩy nền điện ảnh đi lên”.

Nhìn thẳng vào vấn đề, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Nếu kịch bản phim có hay đến đâu mà làm phim không hay cũng không giải quyết được gì cả. Vì thế cần làm phim một cách đồng bộ từ kịch bản, sản xuất, phát hành. Hơn nữa, việc quản lý kinh phí cũng cần chặt chẽ để nguồn tiền không bị lãng phí. Nếu giao kịch bản phim cho các hãng, phải cam kết về chất lượng, phải giám sát không có kiểu “thả gà” ra rồi anh làm phim thế nào cũng được. Theo ý kiến của tôi, những đề tài như: Biển Đông, chống tham nhũng, dịch bệnh, tình yêu... nếu làm hay thì cũng rất thu hút khán giả. Gần đây chúng ta không có kịch bản xứng tầm vì chưa đánh được vào thị hiếu của khán giả. Vấn đề cuối cùng vẫn chỉ là có phim hay không thôi”.

Nói về việc duyệt kịch bản phim, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang bày tỏ quan điểm: “Tôi mong rằng hội đồng duyệt kịch bản phim, duyệt phim sẽ có nhiều cái mới và dũng cảm nữa thì mới có những phim điện ảnh hay. Đừng động đến cái gì cũng bảo “nhạy cảm”. Các phim phải có vấn đề mới hay. Khi giám khảo sợ phim có yếu tố "nhạy cảm", vô tình họ sẽ gạt đi những tác phẩm tốt. Tôi chỉ lấy ví dụ tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh có rất nhiều chất liệu để khai thác, nhưng đáng tiếc lâu nay văn chương của anh ấy vẫn bị coi là “nhạy cảm”. Chiến tranh đã qua 50 năm rồi, giờ đây chúng ta nên nhìn bằng con mắt của người đương thời. Có rất nhiều cách để nhìn về cuộc chiến mà vẫn thấy nhân văn, tự hào, thay vì chỉ làm phim ca ngợi chiến tranh mãi”.

Những áp lực của Hội đồng duyệt phim Quốc gia...

Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm: “Khi mới về cục Điện ảnh, tôi rất ngạc nhiên vì Cục vẫn có cách làm cũ, nên tôi muốn có những nét mới, mang hơi thở cuộc sống. Trong dư luận có nhiều ý kiến về Hội đồng duyệt phim. Chúng tôi hiện nay duyệt ở hai đối tượng: Phim dùng kinh phí Nhà nước và những phim có yếu tố nước ngoài chiếu ở Việt Nam. Tôi cũng phải nói thật rằng, Hội đồng duyệt phim của Cục hiện nay chịu áp lực rất lớn, áp lực của lãnh đạo cấp trên, của đồng nghiệp và của khán giả, dư luận. Về thời gian, mỗi tuần họ mất 4 buổi đến Cục để duyệt phim, thù lao vô cùng thấp. Tôi mới nhận chức Cục trưởng được 6 tháng, khi về, tôi rất ngỡ ngàng không hiểu sao thù lao duyệt phim rất thấp, nhưng không thể nâng lên được do quy định của bộ Tài chính. Đến tháng 4/2021 thì Hội đồng duyệt phim này sẽ hết nhiệm kỳ, nhưng nhiều nhà biên kịch thấy áp lực nên họ nói sẽ không làm nữa. Đó là một cái khó với cục Điện ảnh hiện nay”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì thẳng thắn nói về “góc khuất” của việc duyệt phim: “Tôi nhận thấy nếu các cuộc thi không làm chặt quy chế chấm giải nghệ sĩ ngay lập tức có xu hướng xuê xoa, nể tình mà bầu chọn cho nhau. Tôi cho rằng, hình thức bầu phiếu kín rất nguy hiểm vì không ai chịu trách nhiệm về lá phiếu của mình, dễ rơi vào “lợi ích nhóm”. Cục nên yêu cầu giám khảo chọn phim nào phải ký vào phiếu bình chọn, giám khảo phải tranh luận với nhau công khai đến cùng thì may ra mới chọn được kịch bản tốt”.

Cục trưởng cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, năm nay Cục sẽ cố gắng tìm một hội đồng tuyển chọn kịch bản cho cuộc thi tốt nhất có thể. “Nhiều người viết kịch bản phim để dự thi thường do dự vì họ phải xem Hội đồng duyệt phim là ai. Việc công khai giám khảo của cuộc thi có hai mặt, thứ nhất là sự minh bạch trong cuộc thi nhưng cũng có mặt trái là khi biết giám khảo, biết đâu sẽ có việc chạy chọt, “đi cửa sau”, có lợi ích nhóm với nhau thì sao? Tôi là người hướng đến cái mới, tôi sẽ cố gắng chọn người có nghề biên kịch, có tâm, có tầm”.

Cần có cầu nối và tránh những ì xèo không đáng có

Một vấn đề nữa mà các biên kịch, đạo diễn nhắc đến là Hội đồng duyệt phim, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng chia sẻ về việc này: “Những người ngồi trong Hội đồng duyệt kịch bản phim phải là người có lý luận chắc chắn, chuyên môn tốt. Tuy nhiên, không chỉ chọn những người chuyên viết được kịch bản, bởi vì nhiều nhà văn có tầm tư tưởng tốt, có tác phẩm hay, họ cũng có thể ngồi được ghế giám khảo. Theo tôi, sau khi có những kịch bản hay, Cục cũng cần là “cầu nối”, nên tổ chức một buổi thuyết trình về phim để giới thiệu kịch bản cho các nhà làm phim tư nhân để đỡ phí kịch bản và tránh những ì xèo không đáng có. Nhiều sinh viên của tôi đã bán được những ý tưởng kịch bản từ những buổi thuyết trình như vậy...”. 

Các hãng phim tư nhân đều tự tìm kịch bản...

Đạo diễn Ngọc Tuấn – Hãng phim Bình Minh cho hay: “Từ trước đến nay các hãng phim tư nhân như chúng tôi đều “tự lực cánh sinh” tự tìm kịch bản cho mình. Đa phần là chúng tôi đặt các nhà biên kịch, hay có thể là chúng tôi tự viết theo ý đồ làm phim của mình. Phim điện ảnh làm tốn nhiều kinh phí, có thể lãi, có thể không nên nhiều đoàn làm phim chuyển hướng làm phim ngắn, chiếu YouTube để kêu gọi quảng cáo, sẽ kinh tế hơn nhiều”.

Lạc Thành

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (39)

Tin nổi bật