Người dân không bao giờ mong muốn những “công bộc” do mình tin tưởng lựa chọn, bầu ra lại vướng vòng lao lý. Nhưng bản án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng, chung thân với Trịnh Xuân Thanh và các bản án đã tuyên với 20 bị cáo còn lại thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật, củng cố niềm tin trong nhân dân.
Người dân không bao giờ mong muốn những “công bộc” do mình tin tưởng lựa chọn, bầu ra lại vướng vòng lao lý. Nhưng bản án 13 năm tù với ông Đinh La Thăng, chung thân với Trịnh Xuân Thanh và các bản án đã tuyên với 20 bị cáo còn lại tại vụ án tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN và tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam PVC đã thể hiện rõ sự nghiêm minh của pháp luật, củng cố niềm tin trong nhân dân.
PV báo Người Đưa Tin đã phỏng vấn ông Lê Như Tiến khi là ĐBQH đương nhiệm đã dành nhiều sự quan tâm với công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
PV: Thưa ông, các bản án đã tuyên là lời cảnh tỉnh sâu sắc với những người đang đóng vai trò “công bộc” của nhân dân. Suy nghĩ của ông như thế nào về những bài học được rút ra?
Ông Lê Như Tiến: Đúng là nhân dân và dư luận cả nước không vui mừng gì khi những người “công bộc” do chính mình đặt niềm tin lựa chọn, bầu ra, thậm chí là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị vướng vòng lao lý, bị tòa án phán xét.
Qua vụ án có thể thấy rất rõ sự nghiêm minh của pháp luật. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội luôn khẳng định chống tham nhũng không có vùng cấm, không trừ một ai, sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Bản án tòa tuyên là rất xác đáng đối với cá nhân ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác.
Từ vụ án này, cán bộ đương chức phải tự rút ra bài học cho mình, không bao giờ được để tay “nhúng chàm” vào vòng tham nhũng. Tòa án đã xét xử công minh, đúng quy định của pháp luật, chứng cứ rõ ràng, buộc tội đúng người.
Điều quan trọng nhất là phải thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có. Bởi, qua nhiều báo cáo từ Chính phủ cho thấy, tài sản thu hồi sau các vụ án tham nhũng là rất ít, không đáng kể gì so với tổng số tài sản tham nhũng. Xét xử một người hay một nhóm người là để mang tính răn đe, nhưng cuối cùng phải thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có. Vì đó là tiền từ mồ hôi, nước mắt của nhân dân để phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, chúng ta có hệ thống thanh tra từ Chính phủ đến các bộ, ngành rất đầy đủ, thanh tra chuyên ngành, có sự giám sát của các cơ quan dân cử, kiểm tra của các cơ quan Đảng từ các cấp... nhưng nhiều vụ việc phải chờ đến khi ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc mới phát hiện ra. Vậy, bao nhiêu những cuộc thanh tra, kiểm tra trước đây nói lên điều gì? Đó là hiệu quả thanh, kiểm tra chưa tốt. Vậy phải củng cố lại chính lực lượng bảo vệ pháp luật để điều chỉnh vấn đề này, không để có những vụ án PVN, PVC thứ hai.
Nguồn ảnh: TTXVN. |
PV: Ở đây có trách nhiệm của người đứng đầu và câu chuyện chỉ đạo miệng, không văn bản nên sai chồng sai?
Ông Lê Như Tiến: Trách nhiệm của người đứng đầu cũng phải nhìn nhận cho đúng. Những người đứng đầu cứ lệnh bằng miệng mà không có văn bản, đến bây giờ phải đối mặt với pháp luật là rất đáng tiếc. Vụ án được đưa ra xét xử nhưng sai phạm thì đã có từ hàng chục năm trước. Nếu phát hiện sớm, kịp thời thì không đau đớn đến mức mất cán bộ cao cấp như thế, cũng không để thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng như vậy. Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh ngay từ đầu sẽ ngăn chặn được những hệ quả nghiêm trọng, xót xa.
Hơn nữa, năm nào cũng kê khai tài sản, nhưng kê khai không công khai cho người dân được biết. Ô tô, nhà lầu không phải cái kim sợi chỉ, do đó, kê khai phải gắn với công khai tại nơi cư trú, nơi làm việc để người dân giám sát. Nếu có giám sát thì “con voi” không “chui lọt lỗ kim” như thế. Cần phát huy tai mắt của người dân, trao cho họ cơ chế, bảo vệ người tố giác, khen thưởng kịp thời.
PV: Nếu không kiểm soát quyền lực tốt, sự lạm quyền của cán bộ trong các quyết định dẫn đến hậu quả nặng nề?
Ông Lê Như Tiến: Khi còn hoạt động Quốc hội cho đến nay, tôi đã đề cập nhiều lần, nếu chúng ta không có cơ chế kiểm soát tốt quyền lực thì sẽ dẫn đến lạm quyền, lộng quyền và chuyên quyền. Chúng ta có nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước, nhân dân, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội... cần trao thêm quyền cho họ, đặc biệt là người dân để họ giám sát cán bộ, kiểm soát quyền lực. Thời gian qua, kiểm soát quyền lực còn lỏng lẻo, một số cán bộ tự tung tự tác, thao túng tất cả. Cần kiểm soát quyền lực kịp thời, nghiêm minh để cán bộ có chức có quyền không dám lộng quyền, tham nhũng.
PV: Từ vụ án này, mỗi cán bộ khi sử dụng từng đồng tiền thuế của nhân dân phải hết sức thận trọng, tránh những quyết định nóng vội, quyết liệt vì lợi ích riêng tư, ông nghĩ sao về điều này?
Ông Lê Như Tiến: Đúng là khi sử dụng đồng tiền của Nhà nước rót xuống nhưng đó chính là mồ hôi, nước mắt của nhân dân, là tiền thuế do nhân dân đóng góp mà có. Cho nên không thể sử dụng vô tội vạ kiểu “tiền chùa” mà phải có cơ chế kiểm soát tài chính song song với kiểm soát quyền lực như tôi đã nói ở trên, kiểm soát sử dụng tài sản, vốn của Nhà nước làm sao thật hiệu quả.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
ĐBQH Phạm Văn Hòa, Ủy viên ủy ban Pháp luật: Xóa dư luận nghi ngờ Theo dõi vụ án từ đầu cho đến khi tuyên án, tôi thấy bản án tương xứng với các tội danh mà các bị cáo đã gây ra. Bản án tòa tuyên vừa thể hiện tính răn đe, phòng ngừa và tính nhân văn, sự khoan hồng của pháp luật, xem xét các tình tiết giảm nhẹ để có các mức án hợp lý. Qua đó, tạo lòng tin trong nhân dân, uy tín của Đảng, Nhà nước được củng cố thực hiện đúng tinh thần của người đứng đầu Đảng đã khẳng định “không có vùng cấm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Cũng qua vụ án, đập tan luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nghi ngờ về sự dung túng, bao che cho sai phạm. |
Dương Thu