Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue, có thể tạo thành dịch. Loại virus này xâm nhập từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt từ muỗi vằn truyền bệnh, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti.
Bệnh này xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, đặc biệt là từ tháng 7 – 10.
VnExpress dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp (Khoa A4B, Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện TWQĐ 108) cho biết, tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, những triệu chứng của sốt xuất huyết sẽ khác nhau.
Tùy vào giai đoạn và mức độ bệnh, những triệu chứng của sốt xuất huyết sẽ khác nhau. Ảnh minh họa: VTV News
Ở thể nhẹ, người bệnh có các biểu hiện chủ yếu là sốt cao đột ngột 39-40 độ C; sốt có thể kéo dài 4-7 ngày và rất khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; đau nhức khớp và cơ; buồn nôn và nôn; có tình trạng nổi mẩn đỏ, phát ban.
Trong khi đó, ở thể nặng có dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím, nôn ra máu, đi ngoài phân đen; có các dấu hiệu cảnh báo như mệt mỏi, li bì, đau bụng nhiều, nôn nhiều, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Người bệnh cũng có thể sốc Dengue sớm, là thể bệnh nghiêm trọng nhất. Bệnh nhân có khả năng xuất hiện tình trạng xuất huyết nặng và tụt huyết áp, tổn thương nhiều cơ quan gan, thận, não; ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều. Trong trường hợp này, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo VTV News, có 3 sai lầm được các bác sĩ cảnh báo có thể khiến bệnh nhân sốt xuất huyết trở nặng, thậm chí tử vong.
Chủ quan không đi khám khiến bệnh diễn tiến xấu
Sốt xuất huyết được chia thành 3 mức độ gồm nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và nặng. Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định theo dõi tại nhà nhưng vẫn cần đi khám để chẩn đoán và theo dõi vì bệnh có thể tiến triển từ mức độ nhẹ sang nặng trong quá trình diễn tiến.
Sốt xuất huyết ở mức độ nặng có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan thận, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời.
Một số dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: VTV News
Cho rằng hết sốt là khỏi bệnh
Nhiều người vẫn nghĩ rằng hết sốt là khỏi sốt xuất huyết nhưng trên thực tế, sau giai đoạn sốt cao mới là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Sau 2 – 7 ngày, đa số bệnh nhân đều đã hết sốt, cảm thấy bớt khó chịu trong người. Đây là thời điểm quyết định bệnh có diễn biến trầm trọng hay không.
Triệu chứng bắt đầu nhận rõ như: xuất huyết dưới da, chảy máu cam… Tùy vào mức độ và biến chứng của bệnh có thể dẫn tới đến chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi, xuất huyết tiêu hóa, sốc dengue, thậm chí tử vong.
Trong giai đoạn này, bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi liên tục, đồng thời được nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động nặng, đi lại nhiều.
Nghĩ rằng chỉ mắc bệnh 1 lần trong đời
Bệnh sốt xuất huyết do virus Dengue gây ra với 4 type có ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 type này đều có khả năng gây bệnh tại Việt Nam và luân phiên gây ra dịch bệnh. Miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ đặc hiệu đối với từng tuýp riêng lẻ. Có thể hiểu rằng một người có khả năng mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời với 4 type virus khác nhau.
Ngay khi phát hiện bản thân có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Đinh Kim (T/h)