(ĐSPL) – Doanh nghiệp càng đông lao động thì càng phải chịu áp lực tăng lương lớn, bởi tăng lương còn kéo theo rất nhiều vấn đề khác như tăng BHXH, BHYT và các chi phí khác…
Nhiều doanh nghiệp lo lắng trước áp lực tăng lương. |
Phó Tổng giám đốc Công ty Thương mại Hapro (Hà Nội) cũng cho biết, trong những lần tăng lương trước, mỗi khi đón nhận thông tin thì công ty lại phải tính đến kế hoạch thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự, cơ cấu sao cho phù hợp, và tìm mọi cách để tăng lợi nhuận, bù đắp cho việc tăng lương.
“Trước kia công ty khoán cho một nhóm gồm 10 người làm việc, nay nếu tăng lương mà hiệu quả làm việc không tăng, doanh thu, lợi nhuận cũng không tăng, thì bắt buộc công ty phải cắt giảm bớt nhân sự để không bị vỡ quỹ lương” – ông Trần Mạnh Cảnh phân tích.
Ông Cảnh cho biết thêm, khi lương tăng, các chi phí khác đều tăng theo, thế nhưng những mặt hàng làm ra thì lại phải luôn giảm giá để có thể cạnh tranh trên thị trường.
“Bởi vậy, áp lực lớn nhất đối với chúng tôi lúc này là làm sao kinh doanh để đạt được hiệu quả cao nhất, tạo được doanh thu lớn nhất, cơ cấu, rà soát lại các hoạt động kinh doanh sao cho tiết kiệm, phù hợp nhất để có thể đảm bảo quỹ lương trả cho người lao động” – ông Cảnh nhấn mạnh.
Tiết lộ thêm về mức lương của những người lao động trong công ty, ông Trần Mạnh Cảnh cho biết, mức lương hiện tại mà công ty đang trả cho người lao động đối với bộ phận cán bộ kĩ thuật là từ 5-6 triệu, còn đối với nhân viên bán hàng – chiếm số đông trong công ty thì được trả lương dựa trên cơ sở tỉ lệ doanh thu. Thu nhập của nhóm đối tượng này vẫn khá thấp, trung bình chỉ khoảng 3,8 triệu/tháng.
Chủ một doanh nghiệp may mặc lớn tại Hà Nội cũng cũng thừa nhận rằng, việc tăng lương tối thiểu là cần thiết, song trong bối cảnh kinh tế như hiện nay thì nếu tăng lương, doanh nghiệp buộc phải tăng chi phí, giảm lợi nhuận.
“Nếu tăng lương thì giá thành sản xuất cũng phải tăng theo, điều này sẽ khiến doanh nghiệp của chúng tôi nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung bị giảm tính cạnh tranh doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá sản phẩm nếu như lương tối thiểu tăng, khiến sức mua của thị trường ít nhiều bị giảm xuống. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng thuế, nợ bảo hiểm xã hội khả năng còn tiếp diễn và tình trạng thất nghiệp cũng là tình huống có thể xảy ra” – lãnh đạo doanh nghiệp may mặc này nhận định.
Trong khi đó, ông Lê Văn Chung – Ban quản lý dự án các tập đoàn – Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam lại cho rằng, đối với doanh nghiệp của ông thì không phải chịu áp lực khi tăng lương.
“Thực ra tỷ trọng tiền lương so với giá thành bây giờ vẫn còn rất thấp. Đối với công ty tôi, mỗi đợt tăng lương đều khiến người lao động phấn khởi hơn, họ lao động tích cực hơn, và năng suất lao động từ đó được nâng cao, khoản lợi đó sẽ bù được vào khoản lương phải tăng cho người lao động. Như vậy, tôi đánh giá tăng lương là tốt, bởi vừa làm người lao động hăng say sản xuất, vừa đảm bảo tốt hơn cho cuộc sống của họ. Theo tôi, thì với mức lương hiện tại mới chỉ đáp ứng đủ một nửa cuộc sống của người lao động thôi” – ông Chung cho biết.
Cùng chung quan điểm trên, lãnh đạo của một doanh nghiệp FDI cũng khẳng định, việc tăng lương tối thiểu không hề làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ, cũng không có việc mỗi khi tăng lương thì doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hay cắt giảm nhân sự, bởi trên thực tế, doanh nghiệp này đã và đang trả cho người lao động một mức lương cao hơn so với quy định của nhà nước.