Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bài 1: Bước chân vào thế giới “vàng thổ phỉ”

(DS&PL) -

(ĐSPL)- Theo như lời kể của Hùng, những năm 90 có thời điểm đội quân của Hùng kiếm được hàng mấy chục triệu đồng nhờ “trúng mỏ” vàng, phu vàng được Hùng trả công chính bằng vàng khai thác được.

(ĐSPL) - Ngay từ thuở thiếu thời, Nguyễn Văn Hùng đã khá nổi tiếng trong giới khai thác vàng thổ phỉ tại mảnh đất Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Quá trình khai thác vàng thổ phỉ gắn liền với những cuộc tranh giành quyết liệt đối với những tay giang hồ cộm cán. Theo như lời kể của Hùng, những năm 90 có thời điểm đội quân của Hùng kiếm được hàng mấy chục triệu đồng nhờ “trúng mỏ” vàng, phu vàng được Hùng trả công chính bằng vàng khai thác được. Thế nhưng, cuộc đời của ông “trùm” vàng thổ phỉ này bất ngờ rẽ sang một hướng khác, mà theo lời Hùng thì đó là khoảng thời gian “đen tối” nhất trong cuộc đời khi dính vào thuốc phiện...

“Phiêu”cùng miền đất lạ

Trong chuỗi hành trình về mảnh đất Na Hang có khá nhiều điều kỳ bí, tôi và một đồng nghiệp được nghe người dân kể lại về một người nông dân một thời mắc phải lầm lỗi nhưng vẫn quyết tâm trở về nẻo thiện và trở thành một “vua bò” có tiếng tại tỉnh Tuyên Quang. Những câu chuyện về cuộc đời người nông dân một thời là trùm khai thác vàng thổ phỉ, dính vào nghiện ngập... nhưng vẫn phấn đấu trở thành một công dân có ích cho xã hội, nhờ vào mối tình duyên kỳ lạ khiến tôi không khỏi tò mò.

Bỏ chốn thị thành ồn ã, với chiếc ba lô nặng trịch, PV Đức Hạnh (báo PLXH) vồn vã gọi cho tôi khi trời chưa tảng sáng: “Anh em mình lên đường thôi, nhưng có lẽ hơi đen đủi đấy vì xứ Tuyên nghe nói mưa như trút nước...”. Tôi gật đầu không chút tư lự: “Mưa đến đâu nghỉ đến đấy chú ạ! Hẹn cho chuyến đi này mà mất hơn một tháng trời mới đi được, lần này thì không thể bỏ lỡ được...”.

Hai PV, một già một trẻ, một cao một thấp kết thúc cuộc hẹn hò cũng là lúc đồng hồ điểm 6h sáng. Sau một hồi bàn tính, chúng tôi quyết định đi xe máy từ Thủ đô ngược lên Tuyên Quang, có lẽ niềm hứng khởi về một nhân vật có những bước rẽ khá ngoạn mục trong cuộc đời khiến anh em chúng tôi thêm quyết tâm, mặc dù về tới huyện Na Hang quãng đường cũng không dưới 300km.

Đoạn đường khá dài, lại thêm những cơn mưa như trút khiến chúng tôi ướt như chuột mặc dù hai anh em đã trang bị đầy đủ áo mưa và đi chân đất...! Mãi đến 4h chiều chúng tôi mới có mặt tại mảnh đất Na Hang kỳ bí. Tới Na Hang trời không còn mưa mà vẫn nắng ráo như thường ngày. Hỏi người dân mới biết khu vực này mưa nắng thất thường lắm, có khi trời đang mưa lại đột nhiên hửng nắng và ngược lại. Nói như câu trêu đùa của người bạn đồng hành thì có lẽ trời nắng ráo bởi chúng ta có duyên với người đang cần gặp.

Lẽ thông thường, chúng tôi sẽ vào trụ sở huyện Na Hang để hỏi chuyện về ông “vua bò” xứ Tuyên nhưng lần này thì khác. Anh em tôi dò hỏi người dân và được biết vợ chồng anh Hùng đang phải tá túc nhờ tại một khu tập thể của VKSND huyện Na Hang. Hỏi đến đây, tôi lại bất ngờ thêm một lần nữa là vì sao một người có tiếng là chăn nuôi giỏi mà vẫn chưa thể có nhà cửa đàng hoàng để sinh sống? Dò hỏi mãi mới biết được mảnh đất mà gia đình anh Hùng đang ở thuộc diện phải giải tỏa và đang chờ đất tái định cư.

Xin được số điện thoại của anh Hùng, tôi bốc điện thoại gọi, đầu dây là một người phụ nữ: “Anh Hùng nhà em đang đi kiểm kê bò để chờ lập dự án trang trại anh ạ, các anh cứ vào nhà em chơi, chút nữa nhà em về...”. Phòng trọ của anh Hùng khá hẹp, chỉ đủ cho vợ chồng và hai đứa con nhỏ kê một chiếc giường sinh hoạt và chiếc ti vi để xem tin tức. Thấy chúng tôi đến, chị Thắng (vợ anh Hùng) đon đả: “Các anh cứ ngồi uống nước, chồng em cũng sắp về rồi đấy, khổ chồng em mang điện thoại đi nhưng tai nghễnh ngãng lắm, ngày xưa do hậu quả của những trận chiến bằng mìn và lựu đạn ấy mà...”.

Câu nói dường như khá thản nhiên của vợ Thắng khiến chúng tôi càng thêm tò mò về nhân vật mà mình sắp được “diện kiến”. Khi biết chúng tôi là nhà báo, muốn viết về con đường phục thiện của chồng mình, chị Thắng chỉ mỉm cười: “Nhà em có gì đâu mà các anh viết, chuyện chồng em lầm lỡ thì thời gian nó cũng xóa nhòa đi rồi, chúng em chỉ mong muốn một cuộc sống bình thường, gia đình đầm ấm, con cái được học hành để thoát khỏi cái đói nghèo. Như thế là tốt lắm rồi anh ạ!”.

Đang huyên thuyên mấy câu chuyện về cuộc đời thì anh Hùng xuất hiện, hai thằng con nhỏ của anh Hùng tíu tít: “Bố Hùng “còi” nhà cháu về rồi đấy ạ”. Khác hẳn với dáng vẻ của một nhân vật đình đám trong trí tưởng tượng của chúng tôi, Hùng khá giản dị theo đúng cách một nông dân vùng cao. Không bặm trợn, không lì lợm nhưng ánh mắt của Hùng khiến tôi để ý, bởi nó sáng và sắc lẹm đến lạ thường. “Em vừa đi kiểm bò về để huyện chuẩn bị cho dự án lập trang trại, cũng khá vất vả các anh ạ, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, vì con cái sau này nên vợ chồng em cố gắng nhưng cũng chưa biết thế nào...”. Hùng “còi” bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về “con bò” như thế đấy!

Gia nhập giới vàng thổ phỉ

Hùng bảo, phong tục trên này lạ lắm anh ạ, tiếp chuyện với các anh em phải có tý tửu thì mới nhớ hết được, nhưng cũng chưa hẳn là nhớ nếu không có thêm vị thuốc lào. ấy thế là khói thuốc lào cứ mơn man kèm theo dòng suy tưởng về quãng thời gian “hùng cứ” của Hùng bắt đầu như thước phim quay chậm. Hùng bảo: “Em sinh năm 1971, theo tử vi thì cái số của em kể ra cũng sướng, nhưng em thấy cuộc đời em một thời nó lênh đênh, lận đận quá. May mắn gặp được nhà em nên cuộc đời đã có nhiều thay đổi”. Hùng vừa nói vừa nhìn vợ với ánh mắt trìu mến.

Sinh ra trong một gia đình nghèo có tới 4 anh em mà quê quán, gốc gác mãi tận xã Phước Thịnh, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang nên ngay từ nhỏ Hùng đã ý thức được mình sống vì cái gì và làm gì. Thời gian theo học đến lớp 7 cùng chúng bạn khiến Hùng cảm thấy gò bó, bởi gia đình không có tiền nuôi anh em Hùng ăn học. Do vậy, khi thấy dân tứ xứ đổ xô về các bãi vàng để kiếm tiền thì Hùng cũng manh nha một ý nghĩ là kiếm được nhiều tiền để bố mẹ đỡ khổ. “Thế nhưng khi kiếm được tiền, ý nghĩ trong sáng rằng kiếm tiền để nuôi gia đình đã không còn nữa mà số tiền lại được đem đốt vào ngọn khói của nàng tiên nâu...”, Hùng thở dài ngao ngán!

Năm ấy là năm 1987, Hùng nghỉ học và cùng một nhóm bạn thân tổ chức đi tìm vàng, ban đầu chưa biết cách đãi vàng, Hùng chỉ dám bám gót làm thuê học cách khai thác với mong muốn kiếm chút đỉnh để trang trải. Khổ một nỗi, bao nhiêu vàng đào đãi được chủ bưởng đều thu hết, cánh thợ chỉ được vài đồng tiền công lại phải đối mặt với biết bao nguy hiểm rình rập. Hùng bắt đầu thấy nản.

“Nhiều khi đang khai thác thì cơ quan chức năng ập tới bắt giữ vì khai thác trái phép, bọn em lại chạy toán loạn mỗi người một ngả, có khi đến hai ngày sau mới dám bén mảng về tới “doanh trại”, Hùng tâm sự! Biết là làm liều nhưng bỏ về thì không được chủ bưởng vàng trả công nên cắn răng chịu đựng và quay lại.

“Vua bò” với trang trại chăn nuôi của mình. Ảnh Phạm Dương

Thời gian làm thợ, Hùng bắt đầu học hỏi được cách xác định điểm có vàng và cách thức khai thác để tận thu vàng từ lòng đất. Theo Hùng, giới đào vàng thổ phỉ họ nhìn bằng mắt thường vào màu đất là có thể xác định được tại đó có vàng, vì thời điểm đó chưa có công cụ thăm dò tìm vàng như bây giờ. Nhóm tìm vàng nổi tiếng thời ấy phải nói tới các chủ bưởng người Bắc Thái (tỉnh Thái Nguyên thời nay), chính vì có tiếng là khai thác vàng thổ phỉ giỏi nên dân Bắc Thái từ xưa đến nay vẫn có tiếng là có nhiều “ông trùm” khai thác vàng thổ phỉ.

Bằng kinh nghiệm học hỏi được, Hùng bắt đầu tập hợp bạn bè và đứng ra “cầm cái” cho các cuộc “phưu lưu khai thác vàng thổ phỉ” của mình. Cũng từ đây, các cuộc chạm trán với một số tay anh chị khét tiếng giới giang hồ đồng thời là các chủ bưởng vàng của Hùng bắt đầu. “Em không thể nhớ hết những cuộc đánh đấm này, bởi thời gian quá lâu rồi nhưng những trận chiến có thể là ác liệt nhất mà nó liên quan đến chính mạng sống của em và các chiến hữu thì chắc em không thể nào quên...”, Hùng nói. Những trận tranh giành quyền khai thác vàng giữa Hùng và các chủ bưởng từ Bắc Thái rồi từ Lục Yên (Yên Bái) hay các nhóm ở đất Tuyên Quang đã khiến cái biệt danh Hùng “còi” bắt đầu nổi tiếng trong giới vàng thổ phỉ.

Những trận “thư hùng” giữa các chưởng bưởng

Trong hồi ức của Hùng “còi” thì những trận tranh giành khá ác liệt trong việc phân chia địa bàn khai thác vàng thổ phỉ thường xuyên diễn ra, các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại đều được các chủ bưởng “thửa” để giành cho các cuộc chiến. Cùng thời điểm đó, nhóm khai thác vàng do Hùng “còi” cầm đầu phát hiện tại xã Đức Xuân, huyện Na Hang có nhiều vàng có thể khai thác được. Ngay lập tức, Hùng thiết lập một số quân lớn lên tới hơn 30 thành viên, lập lán trại khai thác. Cách khai thác của nhóm Hùng là khai thác theo từng hẩu nhỏ (khai thác theo từng điểm nhỏ) bằng cách đào đãi thông thường, sau đó thiết lập một hệ thống khai thác dọc ven bờ sông Gâm và sông Ngang.

Lúc đó, nhóm của Hùng khai thác được khá nhiều vàng, chủ yếu là vàng dạng vẩy cám, thời điểm cao nhất có ngày nhóm của Hùng “còi” đào vàng và bán quy ra thành tiền đến vài chục triệu. Cũng phải nói rằng, những năm 90, số tiền mà Hùng kiếm được là cực lớn khiến các chủ bưởng khác phải thèm muốn.

Giới chủ bưởng vàng thời ấy vẫn còn nhớ tới cái tên Đạo “lạng”, một tay khai thác vàng khét tiếng đồng thời là chủ bưởng vàng Thượng Lâm. Đây chính là nhóm đã chạm trán với nhóm của Hùng “còi”, trận chiến này được Hùng “còi” mô tả là khá tàn khốc. Theo đó, khi biết Hùng “còi” bắt đầu cát cứ và khai thác vàng khá hiệu quả, nên chủ bưởng Đạo “lạng” bắt đầu xua quân xuống tranh giành địa bàn. Khoảng lúc 10h đêm tháng 5/1991, nhóm của Hùng phát hiện quân của Đạo “lạng” xuất hiện ở khu vực sông Gâm với vũ khí lăm lăm trên tay. Lúc ấy, Hùng “còi” chỉ kịp chỉ đạo đàn em, rút vào nơi ẩn nấp bởi Hùng thừa hiểu chủ bưởng nhóm Thượng Lâm này là người như thế nào. Đúng như dự đoán, chỉ ít phút sau, lán trại của Hùng rung chuyển bởi những tiếng mìn chát chúa, chủ bưởng Đạo “lạng” chỉ huy quân ném mìn tự chế và bắn đạn ghém ồ ạt vào khu lán trại nơi nhóm của Hùng dựng lên.

Nhóm của Hùng sau một vài khoảnh khắc ẩn nấp cũng tung đòn bằng mìn tự chế, Hùng “còi” cho biết, cuộc tranh giành này khiến hai bên đều có người bị thương và chỉ dừng lại khi cả hai nhóm phát hiện có sự xuất hiện của lực lượng công an. Sau trận chiến này, nhóm Thượng Lâm đã khiến nhóm của Hùng “còi” mất hẳn địa bàn. Nhưng Hùng cũng tạm an lòng, vì thực ra lượng vàng mà nhóm của Hùng khai thác ở đây cũng gọi là đủ để nhóm có thể đi tìm một địa điểm mới. Và sau trận chiến sặc mùi súng đạn này, cơ quan công an đã vào cuộc, khiến nhóm của Đào “lạng” cũng chẳng kiếm trác được nhiều cho lắm. Đó cũng là dự đoán của Hùng khi nhóm vàng Thượng Lâm bắt đầu dòm ngó.

Mất địa bàn khai thác, Hùng “còi” bắt đầu chuyển hướng khai thác vàng. Bằng kinh nghiệm của mình, sau một thời gian kiếm tìm, Hùng “còi” đã dẫn quân xuống các hang tại Nặm Pàn để khai thác. Số lượng vàng ở đây cực lớn khiến nhóm của Hùng bỗng chốc nổi danh, thu nhập của nhóm thợ có thời điểm được trả công lên tới 2 chỉ vàng/ một ngày. Có nhiều tiền, Hùng “còi” bắt đầu cử tay chân của mình đi “bắt quân” (bắt quân – tiếng lóng của giới vàng thổ phỉ ám chỉ tuyển phu đãi vàng) tại các tỉnh để phục vụ cho công cuộc khai thác.

Nhưng cũng vào thời điểm đó, nhóm của Hùng “còi” bắt đầu phải đối mặt với sự đe dọa ghê gớm của chủ bưởng vàng khét tiếng Bắc Thái, có biệt danh Lã “lẫm”. Nhóm của Lã “lẫm” được trang bị súng ống khá dày đặc, kèm theo mìn và lựu đạn. Mỗi lần nhóm của Lã đi tới đâu là có sự đổ máu tới đó, nhiều chủ bưởng khai thác vàng đã bị Lã “lẫm” lấy “số” một cách ngoạn mục. Khi phát hiện nhóm của Hùng khai thác được nhiều vàng, Lã “lẫm” đã trực tiếp cầm quân xuống giành địa bàn.

Do không lường trước được tình hình và quân số của Lã “lẫm” quá áp đảo nên quân của Hùng không thể đối chọi nổi. Một mình Hùng “còi” tả xung hữu đột giữa vòng vây như một biệt kích khiến Lã “lẫm” hết sức thán phục. Trận chiến này, Hùng bị dư chấn của mìn nên hai tai trở nên nghễnh ngãng hẳn, nhưng bất ngờ đích thân chủ bưởng Lã “lẫm” sau trận chiến đã đến trực tiếp gặp Hùng để bắt tay hợp tác. Việc đích thân một chủ bưởng khét tiếng phải hạ mình, tìm sự thỏa hiệp với Hùng “còi” (bởi gã biết được Hùng có khả năng tìm đất có vàng cực chuẩn và bản thân Hùng chưa bao giờ chịu khuất phục các chủ bưởng vàng nào cả) được giới khai thác vàng thổ phỉ cho là khá cao cơ.

Vết trượt cuộc đời

Về phần Hùng “còi”, sau khi thỏa hiệp cùng Lã “lẫm”, cả hai nhóm bắt đầu khai thác vàng một cách có hiệu quả. Số tiền, vàng cả hai nhóm thu được đều chia đôi sòng phẳng. Song cũng từ đây, Hùng “còi” bắt đầu vướng vào vòng tay của nàng tiên nâu. Bao nhiêu tiền bạc cứ theo đó mà đốt theo khói thuốc phiện.

Nói về những tháng ngày đó, Hùng “còi” ngậm ngùi: “Hồi đó mà em biết chắt chiu, tiết kiệm thì có lẽ đã rất giàu”. Khổ một nỗi, khói tiên nâu nó có một sự cám dỗ vô cùng lớn. Nhóm của Hùng “còi” hầu hết do đua đòi, hoặc do thích tìm cảm giác lạ nên cũng đã tìm đến thuốc phiện. Hùng bảo thời đó, các chủ bưởng vàng không hiểu tìm thuốc phiện ở đâu mà nhiều thế, ban đầu cũng định “chơi” chút cho vui nhưng không ngờ bập vào sâu quá đến nỗi không thể rút ra được.

Thuốc phiện cùng sự mê hoặc của súng đạn trong tranh giành khai thác vàng thổ phỉ khiến Hùng “còi” không thể thoát ra khỏi chiếc vòng luẩn quẩn. Sáng, trưa, chiều, tối, nhóm của Hùng dùng thuốc phiện đều như vắt chanh. Tiền có bao nhiêu đều đổ vào khói thuốc. Cũng vào thời điểm đó, các cơ quan chức năng bắt đầu mở chiến dịch truy quét vàng tặc, nhóm của Hùng “còi” nằm ngay trong tầm ngắm.

Công cuộc khai thác vàng thổ phỉ của Hùng “còi” chỉ dừng lại khi Hùng bị bắt đưa đi trại 06 Tuyên Quang để cai nghiện. Nhưng “ngựa quen đường cũ”, chỉ một thời gian ngắn trong trại, Hùng “còi” lại lập mưu để trốn khỏi trại 06, sang bãi đá quý tại Lục Yên (Yên Bái) để trở thành một “ông trùm” khai thác đá quý khét tiếng. Thêm một lần nữa, cuộc đời Hùng “còi” lại rẽ sang lối khác...

Còn tiếp...

Tin nổi bật