Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Bác sĩ “chạy đua với thời gian” cứu người đàn ông bị dao cắm sâu vào ngực

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Người đàn ông được chẩn đoán sốc mất máu do vết thương thấu ngực trái, vết thương tim, vết thương phổi và tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, khoảng 23h20 ngày 27/2, bệnh nhân P.V.T (SN 1973, trú tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) được đưa đến khoa Cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, mặt trước ngực trái bị dao đâm ngập sâu lưỡi, mất máu cấp.

Qua thăm khám ban đầu, kíp trực chẩn đoán bệnh nhân sốc mất máu do vết thương thấu ngực trái, vết thương tim, vết thương phổi và tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, báo động đỏ nội viện được kích hoạt. Chỉ sau 10 phút từ lúc vào viện, bệnh nhân được đẩy vào phòng phẫu thuật, bỏ qua các thủ tục thông thường.

Chỉ đạo kíp mổ và trực tiếp phẫu thuật ca bệnh phức tạp này là TS.BS Nguyễn Thế May – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và các y, bác sĩ khoa Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực, khoa Gây mê Hồi sức, khoa Hồi sức Tích cực Ngoại.

Người đàn ông hiện đã tỉnh hoàn toàn, tiếp xúc nhanh nhẹn. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

TS.BS Nguyễn Thế May chia sẻ, vết thương tim có tỷ lệ tử vong trước viện khoảng 95% và tử vong khoảng 50% trong thời gian nằm viện. Các trường hợp sống sót phải nhanh chóng được đưa đến bệnh viện để phẫu thuật và điều trị kịp thời.

Khi mở ngực bệnh nhân, kíp trực kiểm tra thấy vết thương do dao đâm xuyên thành ngực trái, có vị trí khoang liên sườn sát bờ ức trái, gây đứt động mạch liên sườn, cơ hoành ngực, xuyên thủng thùy trên phổi trái, cú đâm gây 3 vết thương tim, 1 vết thương tại đường ra thất phải rộng khoảng 1cm phun máu thẫm.

Ngoài ra, bệnh nhân còn có 2 vết thương ở thất trái kích thước 2cm sát chỗ chia nhánh của động mạch vành trái, gây đứt các nhánh nhỏ cửa động, tĩnh mạch vành, đứt thần kinh hoành trái, trong lồng ngực người bệnh có khoảng 4.000ml máu... Vì vậy, kíp trực đã đánh giá vô cùng phức tạp, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân đã được khâu vết thương tim, vết thương phổi và truyền máu, huyết tương. Ngay sau ca phẫu thuật, người bệnh tạm thời qua cơn nguy kịch nhưng vẫn phải thở máy hỗ trợ, lọc máu và được các y bác sĩ tiếp tục theo dõi sát, liên tục. Sáng ngày 3/3, bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, tiếp xúc nhanh nhẹn.

Liên quan đến ca bệnh, TS.BS Nguyễn Thế May cho biết, vết thương tim là cấp cứu tối khẩn cấp trong ngoại khoa, được ưu tiên số 1 trong chẩn đoán, vận chuyển và xử trí. Tại Việt Nam, nguyên nhân thường do tai nạn bạo lực, chủ yếu dao kéo, que sắc nhọn...

"Trường hợp như người bệnh T. được coi là một cuộc chạy đua về thời gian", VietNamNet dẫn lời nhận định của bác sĩ.

Được biết, vết thương thủng tim – phổi là thương tổn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hô hấp, tim mạch. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng sốc không hồi phục, có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật